Mãi là cầu nối với bạn đọc

Xuân Tân Mão đã đến. Nhìn lại một năm làm việc tích cực, Báo Ninh Thuận tự hào vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là kênh thông tin tuyên truyền đắc lực của Đảng bộ tỉnh nhà.

Cùng với nhiệm vụ chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, cổ vũ phong trào thi đua lao động của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thông qua các bài viết có sự đánh giá phân tích thấu đáo về những vấn đề, sự việc, Báo Ninh Thuận còn là chiếc cầu nối tham gia tháo gỡ những vướng mắc, tâm tư của bạn đọc, góp phần bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.

Nhà báo Mai Ty, Tổng Biên tập Báo NInh Thuận và lãnh đạo Công ty CP Lương thực Nam Trung bộ trao quà cho người dân phường Đô Vinh bị thiệt hại do lũ. Ảnh: Lê Trường

Chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh một quả phụ lặn lội từ xã Phước Hậu (Ninh Phước) cầm đơn đến Báo Ninh Thuận xin được “giải oan”. Nhìn dáng vẻ tiều tụy và khuôn mặt có nhiều vết sẹo dài, chúng tôi cứ nghĩ chị bị thương nặng trong một vụ tai nạn nào đó. Khi ngồi nghe chị kể lại câu chuyện của mình trong nước mắt, mới biết chị là nạn nhân của một vụ nghen tuông. Chồng mới mất một mình chị nuôi con nhỏ. Vì nghi ngờ chị có quan hệ bất chính, một tốp người cùng thôn đã đến nhà đánh chị, rồi cầm dao lam rạch mặt nhiều chỗ. Chị đã làm đơn lên chính quyền xã yêu cầu giải quyết. Biết rõ nghi can nhưng cơ quan pháp luật vẫn chưa xử lý đối tượng vi phạm. Chờ mãi không được, chị đã cầm đơn đến Báo Ninh Thuận kêu cứu. Thông qua đơn thư tố cáo, phóng viên Báo Ninh Thuận đã đến nhiều nơi tìm hiểu rõ ngọn ngành sự việc. Qua quá trình làm việc với chính quyền địa phương, cơ quan pháp luật, rồi viết bài phản ánh trên báo, chị đã được cơ quan công an cho đi giám định vết thương, từ đó định rõ mức vi phạm của những người cố tình xâm phạm đến thân thể người khác. Kết quả cho thấy chị bị thương tật 13%. Sau một thời gian điều tra, đến nay vụ án chuẩn bị đưa ra tòa xét xử. Đây chỉ là một trong rất nhiều đơn thư của bạn đọc trong tỉnh mà chúng tôi nhận được, qua điều tra vụ việc đã làm sáng tỏ những tâm tư, bức xúc của người dân, từ đó có kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết bảo vệ quyền lợi. Cũng có đơn thư của bạn đọc chuyển đến, chúng tôi đã trực tiếp phân tích, hướng dẫn người dân hiểu rõ về các quy định của pháp luật, từ đó giúp họ có ý thức chấp hành tốt hơn.

Lãnh đạo Báo Ninh Thuận và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential
tặng quà cho nhân dân vùng lũ huyện Ninh Phước. Ảnh: Uyên Thu

Trong cơn "đại hồng thủy" đầu tháng 11 năm 2010, phóng viên Báo Ninh Thuận không kể ngày đêm, mưa gió đã có mặt tại các vùng "rốn" lũ cập nhật, phản ánh những thông tin về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra và những nghĩa cử cao đẹp của các chiến sĩ lực lượng vũ trang, người dân không ngại hiểm nguy đến cứu người và tài sản.

Và chính những thông tin, hình ảnh được đăng tải kịp thời trên báo mà có rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ngay sau khi lũ rút đã đưa lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đến cứu trợ, chia sẻ khó khăn với nhân dân vùng lũ trong tỉnh. Từ việc chứng kiến những nỗi vất vả của nhân dân vùng lũ trong những lần về cơ sở lấy thông tin, tư liệu viết báo, cán bộ, phóng viên báo đã suy nghĩ phải làm việc gì thiết thực hơn để chung tay cùng xã hội giúp đỡ người dân trong tỉnh với tinh thần “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Vậy là Báo Ninh Thuận đã đứng ra vận động, kêu gọi các đồng nghiệp ở tỉnh bạn như: Báo Sài Gòn giải phóng, Hội Nhà báo Bình Dương; các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential tham gia cứu trợ đối tượng gặp khó khăn. Chỉ trong thời gian rất ngắn nhưng Báo Ninh Thuận đã cùng với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc cho gần 1.500 người ở các xã Phước Thuận, An Hải, Phước Hải (Ninh Phước), cứu trợ quà, tiền cho trên 2.100 hộ ở các xã: Thành Hải, Mỹ Bình, Đô Vinh (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), Tân Hải (Ninh Hải), Nhị Hà (Thuận Nam), Phước Hữu (Ninh Phước), với tổng trị giá gần 850 triệu đồng. Nhà báo Mai Ty, Tổng biên tập Báo Ninh Thuận luôn nhắc nhở cán bộ, phóng viên rằng: “ Nhân dân trong tỉnh ta còn nhiều khó khăn lắm. Vậy chúng ta làm việc gì đó dù rất nhỏ nhưng bớt đi một phần vất vả cho người dân thì nên làm và đó là điều hạnh phúc nhất”. Chính vì tâm niệm đó nên dù công việc xuất bản báo rất bận rộn về thời gian, thường xuyên phải làm việc thông tầm, vậy mà khi có đoàn cứu trợ đến anh chị em cán bộ, phóng viên không kể thời gian, dành cả những ngày nghỉ cuối tuần tham gia cứu trợ. Trực tiếp đến những vùng tổn thất nặng sau lũ, chứng kiến những nụ cười của người dân nghèo được khám bệnh, cấp thuốc chữa bệnh, được nhận những phần quà cứu trợ những người làm báo chúng tôi mới cảm thấy nhẹ lòng và nhắc nhở nhau phải có trách nhiệm hơn nữa với xã hội, với nhân dân trong tỉnh.

Báo Sài Gòn Giải Phóng cùng các y, bác sĩ Tp. Hồ Chí Minh
phối hợp với Báo Ninh Thuận khám,cấp thuốc miễn phí cho nhân dân vùng lũ
các xã An Hải, Phước Hải, Phước Thuận (Ninh Phước). Ảnh: Phương Nghi

Năm 2011, Báo Ninh Thuận tiếp tục đổi mới, nâng cao hình thức, nội dung thông tin. Cùng với nhiệm vụ tăng kỳ từ 3 kỳ lên 5 kỳ/tuần, theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Báo còn cho ra mắt tờ báo Ninh Thuận điện tử (NTO) để bạn đọc có thêm kênh thông tin nắm bắt kịp thời những đổi mới trên quê hương Ninh Thuận. Sự phát triển toàn diện của tờ Báo Ninh Thuận hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của cán bộ, phóng viên trong cơ quan luôn tìm tòi, đổi mới và tiếp cận với phương pháp làm báo hiện đại, có sự ủng hộ nhiệt tình của bạn đọc. Xuân Tân Mão đã đến, Báo Ninh Thuận nguyện phấn đấu làm tốt hơn trách nhiệm là cầu nối giữa ý Đảng và lòng dân.