“Giữ lửa” làng nghề đan lát Suối Rua

(NTO) Nằm tựa mình bên cánh rừng đại ngàn, thôn Suối Rua, xã Phước Tiến (Bác Ái) vẫn giữ nét đặc trưng vốn có với làng nghề đan lát truyền thống của đồng bào Raglai. Hòa với nhịp sống hiện đại, tất bật là vậy, thế nhưng, người dân Suối Rua vẫn không quên việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc mình như minh chứng cho sức mạnh cộng đồng, tình đoàn kết trong cộng đồng.

Anh Pinăng Ngúng làm đàn Chapi.

Đến thôn Suối Rua trong cái nắng se lạnh của những ngày giáp Tết, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh những cụ già, phụ nữ, thanh niên ngồi cạnh nhau dưới hiên nhà, người thì đan, người thì vót tre. Đó là những công việc bình dị hằng ngày, nhưng cũng là cách mà người dân thôn Suối Rua gìn giữ nghề truyền thống qua nhiều năm. Được “tận mục sở thị” những sản phẩm địa phương, chúng tôi cảm nhận được sự đam mê, tâm huyết và tình cảm của người làm ra nó qua những nan tre được đan tỉ mỉ. Dưới những bàn tay thô ráp ấy, những sản phẩm bình dị mà tinh tế đầy giá trị, trở thành những vật dụng hữu ích mang giá trị thẩm mỹ cao. 

Ghé thăm nhà anh Pinăng Ngúng, nghệ nhân đan lát lâu năm tại địa phương, đang nhanh tay hoàn thành chiếc gùi. Anh Ngúng cho biết: Đã gắn bó với nghề hơn 40 năm qua, nghề đan lát như một phần cuộc sống của mình, ngày nào bận việc đồng áng, không đan lát thì cảm thấy thiếu vắng lắm. Nhớ lại trước kia, mình và người dân trong thôn khó khăn lắm mới có thể bán được sản phẩm làm ra. Còn bây giờ, nhờ có Đề án Xây dựng và Phát triển làng nghề đan lát truyền thống ở thôn Suối Rua vào năm 2014, có doanh nghiệp đến đặt hàng và tiêu thụ sản phẩm, đời sống của mình và nhiều hộ dân khác đã ổn định lên hẳn, mọi người có thêm động lực để giữ và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Có thời gian lắng nghe những câu chuyện của người dân địa phương về sự thăng trầm của làng nghề đan lát, chúng tôi mới hiểu, giữa nơi vùng cao xa xôi, việc giữ vững nghề truyền thống thủ công không hề dễ dàng, khi trước mắt là sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm công nghiệp được bán phổ biến. Tuy nhiên, với sự chung tay, đồng lòng của cả chính quyền địa phương và người dân, tất cả những “nút thắt” đều được tháo gỡ, qua đó, từng bước phát triển làng nghề một cách bền vững. Anh Pinăng Ngấp, nhóm trưởng tổ sản xuất làng nghề đan lát cho biết: Khi bắt đầu thực hiện đề án, nhóm sản xuất chỉ có 4 nghệ nhân tham gia, sau đó, được chính quyền địa phương mở các lớp đào tạo nghề cho bà con, chúng tôi vận động người dân tham gia, cùng làm với họ. Sau thời gian tích cực làm ra sản phẩm và khẳng định chất lượng đối với doanh nghiệp, các sản phẩm của địa phương chính thức vươn tầm ra ngoài tỉnh. Giúp người dân thấy được giá trị trong việc bảo tồn làng nghề, nhờ đó, số lượng thành viên của nhóm sản xuất đã tăng lên 22 người và có gần 200 người học được nghề và có khả năng tham gia sản xuất, qua đó, đã tạo thành chuỗi sản xuất linh động, hiệu quả và bền vững. Nói về việc bảo tồn và giữ gìn làng nghề truyền thống, anh Pinăng Ngúng, bộc bạch: Nghề đan lát với người dân ở Suối Rua giống như cái nghiệp vậy, mình chọn nghề và nghề cũng chọn mình. Những nghệ nhân chúng tôi luôn luôn trăn trở với những khó khăn, nhưng cũng sẽ quyết tâm truyền lại cho thế hệ trẻ để thấy được giá trị truyền thống của nghề đan lát đối với người Raglai mình.

Đồng chí Huỳnh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Tiến cho biết: Hiện nay, sản phẩm đan lát của địa phương gồm: đàn chapi, gùi, nia, nỏ…được phân phối tới 5 điểm bán hàng của các doanh nghiệp tại Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng) và Tp. Nha Trang (Khánh Hòa). Để phát triển làng nghề bền vững trong thời gian tới, địa phương tích cực làm ra các sản phẩm đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tìm kiếm nhiều doanh nghiệp thu mua sản phẩm làm ra, qua đó, nâng cao thu nhập cho bà con địa phương.

Tạm biệt Suối Rua trong ánh nắng chiều Xuân, chúng tôi tin chắc rằng, với sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, tâm huyết truyền nghề của các nghệ nhân và mong muốn phát triển nghề đan lát của bà con nơi đây…tương lai không xa, Suối Rua sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.