Về quê lúa Ninh Phước trong ngày chớm xuân, chúng tôi tìm gặp Kỹ sư Quảng Đại Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu hàn huyên chuyện đồng áng. Anh kể ban đầu triển khai mô hình CĐL sản xuất lúa giống ở thôn Hiếu Lễ gặp không ít khó khăn. Là người từng công tác trong ngành Nông nghiệp lâu năm, sống gắn bó với nông dân địa phương, anh Hoàng hiểu trong khoảng thời gian ngắn để vận động 103 hộ dân đồng tâm hợp lực “dồn điền” sản xuất tập trung là việc làm không đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện kế hoạch xây dựng CĐL của tỉnh, chương trình cuối cùng đạt được kết quả hơn cả mong đợi. Các hộ tham gia thực hiện mô hình không thể ngờ rằng, cũng trên đồng đất ấy, trước đây canh tác nhỏ lẻ theo từng hộ thu nhập bấp bênh, đến khi thông qua HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao lợi nhuận tăng gấp rưỡi. Dừng chân bên cánh đồng lúa lớn vụ đông-xuân 2017-2018, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của bà con. Mọi hoài nghi trước khi thực hiện mô hình của nông dân giờ đã tan biến, thay vào đó là lòng tin tuyệt đối vào chủ trương đổi mới phương thức sản xuất của tỉnh có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Anh Vạn Sổ, nông dân tham gia mô hình CĐL chia sẻ niềm vui: Liên tiếp vụ mùa và vụ hè-thu 2017 thực hiện mô hình CĐL đều được mùa, được giá, tạo thêm động lực cho nông dân ra quân sản xuất vụ tới với niềm tin dành được nhiều thắng lợi.
Mô hình cánh đồng lớn đang được nhân rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Ngược lên huyện vùng cao Bác Ái anh hùng, đến thăm CĐL sản xuất mía ở xã Phước Tiến, ấn tượng nhất là hình ảnh nông dân mặc đồ đồng phục bảo hộ đang chăm sóc mía. Từ cách làm hay, chú trọng đưa đến lợi ích cho nông dân, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ, đã biến nông dân địa phương trở thành “công nhân” trên đồng đất của mình. Đồng chí Chamaléa Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Phước Tiến, cho biết: Khu đất trồng mía hiện nay, trước đây khô cằn, sản xuất bấp bênh do thiếu nước, đến vụ hè-thu 2017 doanh nghiệp đưa máy móc hiện đại vào sản xuất đã biến vùng đất hoang hóa thành cánh đồng trăm triệu đồng/ha/năm. Nông dân xã Phước Tiến đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đầm ấm hơn mọi năm, nhờ có thu nhập ổn định từ việc liên kết với doanh nghiệp thực hiện CĐL.
Nông dân Bác Ái liên kết với Công ty Cổ phần
Đường Biên Hòa - Phan Rang trồng mía ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình CĐL tuy mới triển khai ở tỉnh ta, nhưng đang được nhân rộng ở nhiều địa phương, bởi cả nông dân và doanh nghiệp nhìn nhận đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh nông nghiệp hội nhập quốc tế như hiện nay. Trên đà thắng lợi, năm 2018, tỉnh đề ra chỉ tiêu xây dựng 14 CĐL với tổng diện tích gần 1.500 ha; đồng thời, phát động phong trào thi đua sản xuất nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình. Những ngày đầu xuân mới, về vùng nông thôn, đi đến đâu cũng nghe bà con bàn tán chuyện xây dựng CĐL. Huyện Ninh Phước đã sẵn sàng cho việc triển khai thêm mô hình CĐL sản xuất bắp giống quy mô 56 ha ở thôn Phước An 1, xã Phước Vinh; CĐL sản xuất măng tây xanh, quy mô 20 ha ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải. Ninh Sơn cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai CĐL sản xuất mía ở xã Quảng Sơn, quy mô 160 ha. Đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, cho biết: Triển khai mô hình CĐL huyện đầu tư hạ tầng đường giao thông, thủy lợi từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo được sự đồng thuận trong nông dân tích cực tham gia. Tiếp theo cây mía, huyện triển khai CĐL sản xuất mì để khắc phục tồn tại lâu nay là thiếu sự liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học-kỹ thuật. Cùng chung khí thế sôi nổi của cả tỉnh, huyện Ninh Hải đang phát động xây dựng CĐL sản xuất nho ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải với quyết tâm cao. Phong trào thi đua xây dựng CĐL lan tỏa rộng khắp là tín hiệu mừng, góp phần làm nên mùa xuân thắng lợi của ngành Nông nghiệp.
Tuấn Anh