Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích nuôi cá tra nước ta đạt khoảng 13.000 ha (gấp đôi hiện nay)
Trước đó, bằng những dữ liệu thiếu thực tế, WWF đã đưa cá tra vào danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản lưu hành tại 6 nước châu Âu. Việc làm này đồng nghĩa với việc khuyến cáo người tiêu dùng tại các nước này không nên sử dụng cá tra vì WWF cho rằng, nghề nuôi cá tra Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường.
Tuy nhiên, bằng những chứng cứ xác thực của nghề nuôi cá tra trong nước, Tổng cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã chứng minh nhận định của WWF về nghề nuôi cá tra Việt Nam là thiếu trung thực, buộc WWF phải rút tên cá tra khỏi danh sách đỏ.
WWF Thụy Điển là đơn vị cuối rút cá tra ra khỏi danh sách đỏ. Bà Lê Thị Thu Nguyệt, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, WWF Thụy Điển đã đưa những thông tin mới và tích cực về cá tra Việt Nam.
WWF tại Na Uy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ cũng đã kịp thời rút tên cá tra ra khỏi danh sách đỏ trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản sau hơn 1 tháng kể từ buổi ký kết Biên bản Thỏa thuận hợp tác phát triển cá tra Việt Nam theo hướng bền vững (ngày 17-12-2010) giữa Tổ chức WWF quốc tế, WWF Việt Nam cùng VASEP và Hội Nghề cá Việt Nam.
(Theo sggp online)