Chúng tôi đến thăm Trạm Bảo vệ rừng Trà Nô (xã Phước Hà, Thuận Nam), nơi “đóng quân” của 7 nhân viên làm công tác giữ rừng. Năm nào cũng vậy, ngay từ giữa tháng Chạp, các nhân viên ở đây lại nhận lệnh ở lại trực Tết, cũng có nghĩa là đón Tết giữa rừng. Anh Thiên Sanh Quang, Phó Trạm QLBVR (thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang) mở đầu bằng câu chuyện: Với anh em chúng tôi thì ngày Tết cũng như ngày thường, đôi khi còn vất vả hơn nữa. Do địa bàn nhạy cảm, lâm tặc thường lợi dụng dịp lễ, tết để phá rừng, nên đơn vị đã xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng xuống các chốt túc trực 24/24 giờ bắt đầu từ khoảng 25 tháng Chạp cho đến Mùng 10 Tết. Để giữ được rừng, những ngày Tết, anh em ở trạm thay nhau phối hợp với lực lượng Công an, các chốt bảo vệ rừng đi tuần tra nghiêm ngặt từng khu vực. Do lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Tân Giang giáp với huyện Tuy Phong (Bình Thuận), một số Tiểu khu 202a, 202b, 198, 196... là điểm nằm rất xa trạm, đường rất khó đi nhưng anh em phải lên tận đó để kiểm soát, chốt chặn...
Cán bộ, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Trà Nô phối hợp với các tổ cộng đồng
thôn Trà Nô (xã Phước Hà, Thuận Nam) tuần tra khu vực rừng quản lý.
Với lực lượng QLBVR, tuy phải đối mặt với lâm tặc, với những hiểm nguy rình rập, nhưng điều đó không làm các anh chùn bước, nản chí, mà còn làm cho các anh gắn bó với rừng hơn. Rất nhiều kỷ niệm khó quên đọng lại với các anh trong những thời điểm đón xuân cùng đại ngàn xanh thẳm. Câu chuyện của anh em lực lượng ở điểm chốt BVR Hai Hồ vào dịp Xuân 2011 đã cho chúng tôi thêm phần cảm nhận về nỗi vất vả, khó khăn của các đơn vị làm công tác giữ rừng. Con đường từ Trạm QLBVR Trà Nô dẫn vào điểm chốt BVR Hai Hồ thuộc Trạm QLBVR Trà Nô nay đã dễ đi hơn rất nhiều so với những năm trước, nhưng để đến được nơi đây cũng phải vượt qua 3 con suối cùng vài con dốc đá gồ ghề. Chúng tôi đến trạm đơn vị đang phối hợp với các tổ cộng đồng thôn Trà Nô kiểm tra vùng rừng thuộc đơn vị quản lý. Anh Lưu Quốc Huấn, nhân viên của trạm có 15 năm gắn bó với rừng cho biết: Khu vực rừng ở thôn Trà Nô luôn là “điểm nóng” về phá rừng, đặc biệt là các khu vực thuộc Tiểu khu 202b, 196... giáp ranh huyện Tuy Phong, nên ngày Tết, chúng tôi phải trực 24/24 giờ để kiểm tra, ngăn chặn lâm tặc vào rừng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vừa nhâm nhi ly trà, anh Huấn vừa tường thuật lại những kỷ niệm đáng nhớ nhất đó là vào tối 30 Tết năm 2008, khi nghe thông tin có một nhóm lâm tặc vào khu vực rừng thượng nguồn Sàng Xe, Hai Hồ (Tiểu khu 198) để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Ngay tức tốc, chúng tôi đã hành quân đi trong đêm để phục kích, chặn bắt các đối tượng cùng tang vật để đưa về trạm. Lúc này lực lượng chỉ có 5 người, nhưng lâm tặc khoảng 10 người chống trả quyết liệt để tẩu thoát. Sau hơn 1 giờ đấu tranh với nhóm lâm tặc, chúng tôi cũng đã khống chế được các đối tượng và thu giữ 4 xe bò cùng 3 m3 gỗ... đưa về trạm. Lúc về đến trạm cũng gần 10 giờ sáng Mùng Một tết. Hay có lần vào năm 2011, nhận được thông tin đối tượng có thể tổ chức phá rừng trong đêm giao thừa, các anh phải lên kế hoạch, thức trắng đêm để mai phục các đối tượng.
Nhiệm vụ bảo vệ rừng gian nan, vất vả là vậy, nhưng với trách nhiệm nặng nề được giao và tình yêu thiên nhiên, yêu rừng, các anh vẫn tích cực bám dân, bám rừng để bảo vệ màu xanh của đại ngàn. Anh Thiên Sanh Quang chia sẻ: Đã làm nghề là phải chấp nhận khó khăn, đặc biệt những ngày Tết anh em chúng tôi phải căng mình canh gác để bảo vệ từng khu rừng. Ngày Tết, nhìn những cánh rừng vươn lên xanh tươi, chúng tôi lấy đó là niềm vui. Đó là món quà xuân ý nghĩa đối với chúng tôi.
Chia tay với những cán bộ, nhân viên ở Trạm QLBVR Trà Nô, chúng tôi hiểu rằng, để rừng mãi mãi xanh có phần đóng góp công sức, sự hy sinh thầm lặng của các anh.
Tiến Mạnh