1. Liên hợp quốc cảnh báo khủng hoảng nhân đạo tại Cộng hòa Trung Phi. Liên hợp quốc cảnh báo khoảng 100.000 người tại thành phố Paoua thuộc Cộng hòa Trung Phi đang cần cứu trợ nhân đạo khẩn cấp sau khi liên tiếp xảy ra các cuộc giao tranh giữa các nhóm vũ trang đối địch hồi cuối tháng 12 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi đã có khoảng 60.000 người phải lánh nạn đến thành phố giáp biên với Cộng hòa Chad trong khi 40.000 người còn lại đang tiếp tục trụ lại ở Paoua. Liên hợp quốc cho biết nếu các cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân còn tiếp diễn, số người tị nạn cần trợ giúp nhân đạo có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba.
Theo một khảo sát do Liên hợp quốc thực hiện, phần lớn những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến sự là phụ nữ và trẻ em, bao gồm cả những nạn nhân của bạo lực gia đình. Các nhân viên của Liên hợp quốc cho rằng sức khỏe của nhóm người này đang là vấn đề nan giải nhất bởi số người tử vong do bệnh tật và kiệt sức ngày càng gia tăng.
Cuộc đối đầu khốc liệt giữa các nhóm vũ trang đối địch của Phong trào Giải phóng cộng đồng Trung Phi (MNLC) và Cách mạng- Công lý (RJ) bắt đầu nổ ra ở ngoại ô Paoua hôm 27-12-2017 sau khi tình trạng bạo lực bùng phát trong khu vực một tháng trước đó. Theo thống kê của Liên hợp quốc, các cuộc xung đột tại Cộng hòa Trung Phi đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hơn 1 triệu người buộc phải di tản và 2,4 triệu người - tương đương hơn một nửa dân số Trung Phi phải sống nhờ viện trợ lương thực khẩn cấp. Bạo lực đã bùng phát mạnh khi Pháp giải tán phái bộ Sangris tại nước này hồi năm ngoái. Trong tháng 11 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ra nghị quyết tăng thêm 900 binh sĩ và kéo dài 1 năm hoạt động của phái bộ gìn giữ hoà bình MINUSCA.
2. Hạ viện Anh "bật đèn xanh" cho dự luật rời khỏi EU. Sau nhiều tuần lễ tranh cãi, ngày 17-1, các nghị sĩ tại Hạ viện Anh đã phê chuẩn Dự luật Brexit về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Văn kiện này đã được chuyển lên Thượng viện xem xét.
Dự luật Brexit đã được thông qua với 324 phiếu thuận và 295 phiếu phản đối. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong tiến trình dài hơi hướng đến việc xây dựng các nền tảng pháp lý cho Brexit. Các nghị sĩ đã thảo luận hơn 500 sửa đổi và mất hơn 80 giờ tranh luận về văn kiện này.
Dự luật Brexit bãi bỏ Đạo luật năm 1972 về các Cộng đồng của châu Âu (ECA), bộ luật có vai trò nền móng đối với tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời chuyển đổi các đạo luật của EU thành đạo luật của Anh. Vấn đề này đã trở thành tiêu điểm tranh luận xung quanh cách thức mà Anh tìm kiếm trong quá trình "ly hôn", đồng thời là phép thử đối với khả năng đưa ra một chiến lược Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May trong bối cảnh đảng Bảo thủ không chiếm đa số ghế trong Quốc hội.
Phát biểu trước thềm cuộc bỏ phiếu, Chủ tịch đảng Bảo thủ Brandon Lewis đã kêu gọi Công đảng đối lập, vốn luôn phản đối chiến lược Brexit của Thủ tướng May, ủng hộ dự luật và cho thấy rằng họ không tìm cách đảo ngược kết quả cuộc trưng cầu ý dân về Brexit hồi năm 2016. Ông Lewis nêu rõ: "Công đảng luôn nói rằng họ ủng hộ kết quả cuộc trưng cầu ý dân và có thể tin tưởng rằng họ hành động một cách trách nhiệm, song hiện là lúc điều này sẽ được kiểm nghiệm. Họ có thể hoặc là ủng hộ dự luật, hoặc là lựa chọn sự hỗn loạn".
Tuyên bố của ông Lewis được đưa ra sau khi thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho biết sẽ chỉ đạo đảng này bỏ phiếu chống Dự luật Brexit nếu một số quan ngại liên quan đến việc bảo vệ người lao động, môi trường và quyền lợi của người tiêu dùng không được giải quyết.
3. Lào, Campuchia và Thái Lan hợp tác quản lý nguồn tài nguyên lưu vực sông Mekong. Chính phủ Đức đã triển khai hỗ trợ 2 dự án hợp tác chung giữa Campuchia và Lào, Campuchia và Thái Lan về quản lý nguồn tài nguyên lưu vực sông Mekong. Theo Ủy hội Mekong (MRC), mục đích của 2 dự án nói trên là nhằm quản lý nguồn tài nguyên lưu vực sông Mekong một cách hiệu quả hơn và giải quyết các vấn đề lũ lụt và hạn hán. Đây là 2 dự án nằm trong số 5 dự án được xây dựng dựa trên Chiến lược phát triển lưu vực Mekong.
Hai dự án này sẽ được triển khai giai đoạn đầu tiên từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019. Các nước thành viên sẽ sử dụng các dự án để thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới trong quy hoạch và quản lý tài nguyên nước nhằm tạo ra các lợi ích chung.
Các dự án này sẽ được Chính phủ Đức hỗ trợ thông qua Deutsche Gesellschaft fur Internationale Zusammenarbeit (GIZ), một đối tác của MRC, với trọng tâm là quy hoạch phát triển xuyên biên giới về quản lý tài nguyên nước ở vùng Khone Falls giữa Campuchia và Lào. Ngoài ra, hai dự án cũng tập trung vào việc đánh giá và lập kế hoạch đối phó với lũ lụt và hạn hán ở các khu vực biên giới của Campuchia và Thái Lan, những nơi thường xuyên xảy ra lũ lụt.
MRC cho biết thêm những dự án này dự kiến sẽ thu hút đầu tư chung để cải thiện an ninh nguồn nước và hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội trong các khu vực xuyên biên giới của dự án và xa hơn nữa.
MRC là một tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác khu vực ở lưu vực hạ lưu sông Mekong, được thành lập năm 1995 dựa trên Hiệp định Mekong giữa Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.
CĐ