Những khó khăn, vướng mắc
Huyện Thuận Bắc hiện có 23 trường công lập thuộc các cấp Mầm non, TH và THCS. Tính đến cuối năm 2017, toàn huyện có 9 trường ĐCQG mức độ 1, chiếm 39,1%. Trong đó, cấp học Mầm non có 1 trường, cấp TH có 6 trường, cấp THCS có 2 trường. Triển khai kế hoạch xây dựng trường ĐCQG, trong năm 2017, huyện lựa chọn các trường: TH Bỉnh Nghĩa (xã Bắc Sơn), TH Bà Râu và Mẫu giáo Lợi Hải (xã Lợi Hải) vào kế hoạch xây dựng, song không có đơn vị nào được công nhận, bởi còn vướng các tiêu chí về cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục và chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Cô giáo Trần Thị Thu Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Thuận Bắc, cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường ĐCQG của huyện là công tác duy trì sĩ số học sinh, vì thực tế trong thời gian qua tình trạng học sinh trong độ tuổi THCS không ra lớp và bỏ học khá nhiều. Năm học 2017-2018, công tác huy động học sinh ra lớp của huyện đạt 98,9% chỉ tiêu giao; riêng cấp THCS tỷ lệ vận động học sinh ra lớp chỉ đạt 91,7% (tăng 2% so với năm học trước). Tuy nhiên, toàn huyện vẫn còn 206 em chưa ra lớp, trong đó cấp THCS có tới 183 học sinh. Cơ sở vật chất trường, lớp cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, song toàn huyện vẫn còn khá nhiều công trình cần được đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa. Ngoài ra, việc thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên Mầm non cũng là khó khăn mà huyện đang vướng phải…
Giờ tập thể dục của học sinh Trường TH Suối Giếng.
Nỗ lực thực hiện
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc lần thứ III, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra chỉ tiêu đến cuối nhiệm kỳ có 12/23 trường ĐCQG. Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, năm học này, huyện Thuận Bắc tiếp tục đề ra kế hoạch cụ thể, phấn đấu từ nay đến năm 2020, mỗi năm có thêm 1 trường được công nhận ĐCQG. Với những trường đã được công nhận ĐCQG, huyện chủ trương duy trì, bổ sung, khắc phục các tiêu chí “tụt hạng” nhằm giữ vững danh hiệu trường ĐCQG khi công nhận lại. Cô giáo Trần Thị Thu Hương cho biết thêm: Để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường ĐCQG theo lộ trình đề ra, trên cơ sở rà soát khó khăn, thuận lợi, năm 2018, huyện lựa chọn Trường Mẫu giáo Lợi Hải là đơn vị phấn đấu đạt chuẩn, năm 2019 là Trường TH Phước Chiến (xã Phước Chiến). Khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất trường lớp, trong năm 2017, được sự quan tâm của ngành GD&ĐT, UBND huyện, chính quyền địa phương và các nhà tài trợ, toàn huyện xây mới 10 phòng học cho Trường TH Phước Chiến; 3 phòng học cho điểm trường Xóm Bằng 2, Trường TH Xóm Bằng (xã Bắc Sơn); 20 phòng học cho Trường TH Lợi Hải (10 phòng tại điểm trường Suối Đá và 10 phòng tại điểm trường Kiền Kiền). Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả mạng lưới trường, lớp học; phát huy năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp; thu hút tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường… năm học này, huyện cũng sáp nhập, giảm 2 điểm lẻ tại Trường TH Phước Chiến và TH Lợi Hải. Với 8 biên chế giáo viên Mầm non được phân bổ, huyện cũng sẽ ưu tiên giải quyết khó khăn về tiêu chí cán bộ quản lý và giáo viên cho Trường Mẫu giáo Lợi Hải. Định kỳ hàng năm, Phòng GD&ĐT huyện tham mưu các cấp triển khai thực hiện xây dựng mới, tu bổ, sửa chữa trường, lớp học đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất; phối hợp cùng Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt việc vận động học sinh ra lớp, tuyên truyền nâng cao nhận thức phụ huynh, nhân dân về tầm quan trọng của việc học. Hội đồng sư phạm các trường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; xây dựng môi trường học tập thân thiện, hạn chế học sinh yếu kém, học sinh bỏ học giữa chừng…
Xây dựng trường ĐCQG là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD&ĐT, tin rằng, với những giải pháp đồng bộ và sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, thời gian tới, chỉ tiêu xây dựng trường ĐCQG trên địa bàn huyện Thuận Bắc sẽ hoàn thành theo đúng lộ trình đề ra.
Lâm Anh