Nhờ tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 7% từ năm 2014 đến nay, Ấn Độ được coi là quốc gia năng động nhất trong nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Hơn nữa, theo số liệu chính thức thì tỷ lệ thất nghiệp của nước này không quá 3,5%, nhờ vậy mà trong 10 năm qua đã góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói từ 38% xuống còn 21% trên tổng dân số.
Theo Le Point, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng của Ấn Độ đó là các cải tổ do Thủ tướng Narendra Modi tiến hành. Ông đã “chữa trị” kinh tế Ấn Độ bằng một “liệu pháp sốc” chưa từng có.
Đầu tiên là về sản xuất, với khẩu hiệu “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India), nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp và tạo việc làm. Tiếp đến là tiền tệ, với việc chuyển tiền mặt thành các tài khoản ngân hàng. Tiếp theo là thuế với việc ban hành một loại thuế quốc gia duy nhất (GST), thay thế cho vô số loại thuế địa phương tại 29 bang của Ấn Độ.
Về tài chính, ông Modi đã cho "bơm" vốn vào các ngân hàng công tổng cộng 32 tỷ USD trong vòng 2 năm, để gia tăng nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp. Thủ tướng Ấn Độ còn tự do hóa các khu vực tài chính, phát thanh truyền hình và quốc phòng, đồng thời mở các dự án cơ sở hạ tầng cho đầu tư nước ngoài.
Le Point dự báo cứ theo đà này, Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc kinh tế thứ 3 thế giới vào năm 2032, thậm chí hàng đầu thế giới vào năm 2050. Nhưng để đối đầu với những thách thức, nước này phải thực hiện những chuyển đổi sâu rộng. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng phải đối mặt với một số trở ngại.
Tỷ lệ tử vong trẻ em của nước này vẫn còn rất cao, ở mức 42%. Tỷ lệ nghèo khó giảm, nhưng tình trạng bất bình đẳng lại ngày càng trầm trọng. Hiện tại những người giàu nhất chiếm 10% dân số đang nắm đến 56% thu nhập quốc gia. Hệ thống giáo dục của nước này thuộc loại yếu kém nhất thế giới. Các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 12% và đang cần phải được "bơm" thêm 90 tỷ USD. Sự phát triển của Ấn Độ còn bị cản trở bởi tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng, nạn tham nhũng và chưa mở cửa nhiều đối với thế giới.
(Theo TTXVN)