Xác định công tác đào tạo nghề cho LĐNT là một trong những bước đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động, thực hiện thành công chương trình xóa đói, giảm nghèo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành chức năng, cấp ủy các cấp triển khai quán triệt và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 19. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 455 lớp dạy nghề cho trên 14,7 ngàn LĐNT, với tổng kinh phí dạy nghề và hỗ trợ học nghề trên 63,3 tỷ đồng. Trong đó có trên 7,3 ngàn LĐNT thuộc đối tượng ưu tiên là hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác, người tàn tật; số LĐNT tham gia học các nghề nông nghiệp trên 13,3 ngàn người, chiếm 83,3% và LĐNT tham gia học các nghề phi nông nghiệp gần 2,5 ngàn người, chiếm 16,7%. Đa số LĐNT sau khi học nghề đều được các doanh nghiệp tuyển dụng, hoặc vận dụng những kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tế lao động sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập. Nhìn chung, các nghề và số lớp được tổ chức phù hợp với các địa bàn mà nhu cầu địa phương cần. Các đơn vị được giao trách nhiệm tổ chức dạy nghề đã chủ động phối hợp với các cơ sở dạy nghề cùng với chính quyền và các hội, đoàn thể cơ sở tổ chức tư vấn học nghề, chọn nghề, tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT ở địa phương. Đặc biệt, một số mô hình liên kết đào tạo nghề cho LĐNT gắn với giải quyết việc làm đã phát huy rõ hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình liên kết giữa Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận với Công ty May Tiến Thuận; Trung tâm Dạy nghề huyện Ninh Sơn với Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú để đào tạo nghề may công nghiệp và giải quyết trên 97% số LĐNT sau đào tạo. Mô hình ký kết 3 bên là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận và Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận tổ chức đào tạo nghề chế biến thủy sản gắn với tuyển dụng lao động vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong quá trình tham gia học nghề, doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn trưa 15 ngàn/ngày, lương thử việc trên 2 triệu đồng/người/tháng và bố trí ôtô đưa đón miễn phí trên một số tuyến đường. Nghề sản xuất gốm và dệt thổ cẩm đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh phối hợp với UBND thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), Ban Quản lý làng nghề, khu phố và các cơ sở sản xuất có uy tín đào tạo cho LĐNT là đồng bào dân tộc Chăm ở các làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Chung Mỹ và làng nghề gốm Bàu Trúc. Học viên sau khi tốt nghiệp được các tổ hợp sản xuất này nhận vào làm việc hoặc có thể nhận gia công sản phẩm tại nhà, với thu nhập bình quân 50 ngàn/ngày, cao hơn mức lao động chưa qua đào tạo. Mô hình dạy nghề nông, lâm, ngư nghiệp, nghề thuyền trưởng, máy trưởng đã được các đơn vị được giao nhiệm vụ dạy nghề cho LĐNT phối hợp với chính quyền địa phương và Trường Đại học Nha Trang tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ. Các lớp này đã phát huy năng lực khai thác thủy sản, nâng cao ý thức về khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, đồng thời góp phần quan trọng trong việc vận động ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Lớp đào đạo nghề May công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận. Ảnh: T.Q
Bên cạnh đó, để tạo động lực và khuyến khích LĐNT tham gia học nghề, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ học nghề và dạy nghề, giải quyết việc làm, quan tâm mở rộng đối tượng và tăng kinh phí hỗ trợ, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho lao động là người nghèo, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách… Song song đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh cũng đã nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện Chỉ thị số 19 và đã triển khai thực hiện bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: Phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác dạy nghề cho LĐNT; điều tra, khảo sát về nhu cầu lao động tại cơ sở để phối hợp xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu việc làm của đoàn viên, hội viên…
Đồng chí Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác dạy nghề cho LĐNT trong 5 năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, để có kết quả trên là nhờ sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, công tác dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT thời gian qua đã gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp theo điều kiện mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh, giúp người lao động vận dụng kiến thức được học vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập, đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đối với các nghề phi nông nghiệp đều gắn với giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp, qua đó đã cho hiệu quả rõ nét, giúp người lao động có thu nhập ổn định. Có thể nói, công tác dạy nghề cho LĐNT đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động tại các địa phương và đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thế Quang