Bài 2: Tăng cường quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ
(NTO) Toàn tỉnh hiện có 273 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ, trong đó có 22 doanh nghiêp, 251 hộ kinh doanh phân bổ tại các huyện, thành phố. Các cở sở này chủ yếu có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, xen lẫn trong khu dân cư. Do không có đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến đã làm gia tăng các hoạt động mua bán, vận chuyển, khai thác gỗ lậu, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.
Khó khăn về nguồn nguyên liệu
Chúng tôi trở lại vùng trọng điểm về tình trạng phá rừng thuộc huyện Ninh Sơn, nơi tập trung gần 80 cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ (chiếm khoảng 30% cơ sở trong toàn tỉnh). Không khí hoạt động tại các xưởng mộc không nhộn nhịp như trước, nhưng đằng sau sự trầm lắng đó, vẫn diễn ra những hoạt động lén lút, tinh vi để tiêu thụ gỗ lậu. Qua tìm hiểu, thời gian gần đây, các đối tượng ngoài tỉnh thường sử dụng xe khách loại 16 chỗ đến địa bàn, tìm cách móc nối với một số cơ sở chế biến gỗ tại địa phương để “đặt hàng” thu mua gỗ lậu. Các đối tượng bố trí người cảnh giới, lợi dụng lúc đêm tối, đưa xe đến điểm tập kết để lấy hàng.
Sau mỗi chuyến hàng trót lọt, bên thu mua trả tiền cho người môi giới tập kết 1 triệu đồng/m3 và tiền gỗ cho “lâm tặc” từ 9-12 triệu đồng/m3, tùy loại gỗ. Trung bình mỗi tuần xe chở 3-4 chuyến, mỗi chuyến khoảng 1,5-2 m3 gỗ loại lóng tròn, cắt ngắn. Chúng thường xuyên thay đổi phương tiện, thời gian và lộ trình, thậm chí đi đường vòng để qua mắt lực lượng chức năng.
Nhằm hợp thức hóa nguồn gỗ lậu, các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ đã dùng “chiêu” sử dụng giấy tờ, hóa đơn mua bán gỗ hợp pháp để cất giữ, kinh doanh gỗ không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của lực lượng chức năng, mỗi năm các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh tiêu thụ trên 3,8 ngàn m3 gỗ có nguồn gốc hợp pháp. Trong đó, gỗ có nguồn gốc nhập khẩu khoảng 2,55 ngàn m3, gỗ từ rừng tự nhiên trong nước khoảng 1,1 ngàn m3 và gỗ xử lý tịch thu được hóa giá là 142,6 m3. Nguồn nguyên liệu cung cấp cho hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu được mua lại, có nguồn gốc nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp ở Đồng Nai, Lâm Đồng và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu đầu vào để sản xuất, nên một số cơ sở bất chấp quy định của pháp luật, mua gỗ không có nguồn gốc để chế biến.
Ông Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký chế biến, kinh doanh gỗ chủ yếu là các hộ gia đình, sản xuất nhỏ lẻ, tận dụng lao động nhàn rỗi, nằm xen kẽ trong khu dân cư và gần rừng nên gặp khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc lâm sản. Trong khi đó, theo quy định, mỗi năm, các đơn vị chức năng không được kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần. Chính vì vậy, việc phát hiện kịp thời để xử lý càng khó khăn hơn.
Lực lượng chức năng và Người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.
Cần có giải pháp căn cơ
Nhằm định hướng phát triển cơ cấu lại ngành Lâm nghiệp đảm bảo hiệu quả, bền vững, phát huy các nguồn lực phát triển, năm 2017, tỉnh ta đã có Quy hoạch chế biến kinh doanh gỗ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, ngành chức năng sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát nguồn gỗ nhập và xuất ra hợp pháp theo quy định pháp luật; kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ vi phạm pháp luật và không nằm trong vùng quy hoạch.
Ông Phạm Cao Đảm, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để phát huy tiềm năng lao động, sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hợp lý và mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương đang xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng khai thác, tận thu gỗ từ rừng tự nhiên và tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp tham gia trồng rừng, nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào sản xuất hợp pháp. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh gỗ chủ động tìm đối tác cung ứng nguồn gỗ nhập khẩu hợp pháp, nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho việc chế biến, sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài.
Để giảm áp lực về nguyên liệu lên tài nguyên rừng, bên cạnh việc quy hoạch và quản lý hiệu quả hoạt động chế biến, kinh doanh gỗ, các cấp, các ngành cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng; hỗ trợ chính sách vay vốn ưu đãi để các cơ sở này đổi mới, nâng cao công nghệ máy móc và thiết bị nhằm tăng tỷ lệ sử dụng gỗ, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối với các cơ sở nhỏ, lẻ hoạt động không hiệu quả, cần có hướng chuyển đổi nghề phù hợp. Chừng nào sinh kế của người dân vùng đệm ven rừng được ổn định, tình trạng phá rừng mới thực sự được ngăn chặn hiệu quả.
Mai Phương