Cách đây gần 2 tháng, hộ bà Lê Thị Hòa, ở thôn Thành Sơn tới đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật gần nhà mua 2 chai thuốc trừ cỏ thể tích 50ml nhãn hiệu BecAno 500SC (có xuất xứ từ Đức do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam đăng ký và chịu trách nhiệm phân phối) về pha trộn để phun cho 9 sào nho của gia đình. Một tháng sau, cây nho có dấu hiệu bị teo quả, lá vàng, cành ngọn không phát triển. Đối với diện tích nho đang ra trái, cây có dấu hiệu bị chết và không đậu trái. Đến nay, khoảng 80% diện tích vườn nho của gia đình đã bị thiệt hại, làm toàn bộ vốn liếng đầu tư hơn 700 triệu đồng bị mất trắng. Không những thế, gia đình bà Hòa còn bị hộ có ruộng lúa kề bên bắt đền do đã tháo nước mưa từ ruộng nho xuống làm hơn 3,5 ha lúa và bèo bị chết héo.
Tương tự, vườn nho hơn 6 sào của hộ ông Nguyễn Xưởng, thôn Thành Sơn cũng đang dần héo lá, teo quả sau khi sử dụng thuốc trừ cỏ BecAno 500SC. Đến nay, toàn bộ diện tích vườn nho của hộ ông đành phải cắt bỏ, gây thiệt hại vốn đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Xưởng cho biết: Khoảng đầu tháng 11, tôi ra Đại lý thuốc bảo vệ thực vật Châu, đường 21 Tháng 8, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm mua thuốc trừ cỏ về để xịt cho cây nho, chủ đại lý này tư vấn giới thiệu cho tôi nên dùng thuốc diệt cỏ BecAno 500SC này, bởi thuốc chỉ cần dùng một lần nhưng có hiệu quả tới 6 tháng, đỡ tốn công chăm sóc nên tôi đã mua về dùng. Ai ngờ giàn nho hơn 11 tháng dày công chăm sóc, đang chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu, giờ đành phải nhổ bỏ.
Qua khảo sát, có 5 hộ trồng nho ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải đã sử dụng thuốc trừ cỏ BecAno 500SC trên diện tích gần 4 ha, đều có dấu hiệu bị ảnh hưởng nặng nề. Các hộ dân có kiến nghị với công ty cung cấp sản phẩm thuốc cần có sự hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Ngành chức năng và chính quyền địa phương cũng đã họp các hộ dân bị thiệt hại, lập biên bản ghi nhận ý kiến, đề nghị công ty sau 15 ngày có trả lời cụ thể để bà con rõ.
Theo nhà sản xuất, BecAno 500SC là thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, sau khi phun các hoạt chất sẽ tạo lớp màng ngăn chặn sự nảy mầm của hạt cỏ. Thuốc nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng ở Việt Nam, được đăng ký đối tượng phòng trừ cỏ trên cây trồng lâu năm như cà phê, cao su và cây cam. Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất cũng khuyến cáo người sử dụng đọc kỹ nhãn phụ đính kèm.
Ông Phạm Dũng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mời đại diện cơ sở phân phối tới các hộ dân để tìm hiểu, xác định rõ nguyên nhân; đồng thời tiến hành lấy mẫu thuốc trừ cỏ, mẫu đất và rễ cây nho chết để tiến hành phân tích hàm lượng hoạt chất tồn dư. Qua kết quả kiểm định, loại thuốc này đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn đã đăng ký, nhưng do bà con không nắm rõ nên dùng sai đối tượng vì thuốc không đăng ký dùng trừ cỏ trên cây nho. Tuy nhiên Chi cục cũng đề nghị công ty cần có sự hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại và cần có sự khảo nghiệm khi đưa sản phẩm phù hợp ra thị trường.
Qua sự việc này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo người dân khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) và phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cùng các thông tin trên nhãn mác. Mặc khác, nên sử dụng các phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp, đặc biệt là dùng màng phủ ni lông để hạn chế cỏ dại và hạn chế dùng các loại thuốc hóa học, vì đa số thuốc trừ cỏ rất độc hại.
Anh Tuấn