(NTO) Ngày 20-12-2017, tại lễ bàn giao hoàn thành kỹ thuật can thiệp mạch vành của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đích thân Phó Giáo sư-Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã trao chứng chỉ Tim mạch can thiệp cho Bác sĩ Nguyễn Lạc Việt và Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh. Đây được coi là sự kiện có tính chất bước ngoặt, đánh dấu bước tiến mới trong điều trị bệnh tim mạch vành của Đơn vị Tim mạch can thiệp thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung và 2 bác sĩ trên nói riêng.
Ê-kip bác sĩ Đơn vị Tim mạch can thiệp chuẩn bị thực hiện thủ thuật chụp và can thiệp động mạch vành cho bệnh nhân.
Theo Hội Tim mạch học Việt Nam, bệnh tim mạch vành (còn có tên gọi khác là bệnh động mạch vành, hẹp mạch vành tim, thiểu năng vành hoặc suy vành), đặc trưng bởi sự xuất hiện của các mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành (động mạch cung cấp máu giàu ô-xy cho tim hoạt động). Những mảng xơ vữa này dày lên theo thời gian, làm thu hẹp lòng mạch, khiến lưu lượng máu về tim bị giảm sút, thậm chí ngưng trệ hoàn toàn. Cơ tim bị thiếu máu và ô-xy để hoạt động có thể gây ra đau thắt ngực, khó thở và nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim… Bệnh động mạch vành là loại bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý về tim mạch.
Nhận thức rõ điều đó, thực hiện Đề án xây dựng Khoa Nội tim mạch của Bệnh viện Đa khoa tỉnh là khoa vệ tinh của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, tháng 6-2016, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thành lập Đơn vị Tim mạch can thiệp. Từ khi đi vào hoạt động đến tháng 10-2017, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã chỉ định chụp cho 283 ca, can thiệp động mạch vành cho 141 ca bệnh nhân mắc bệnh. Là chuyên gia có mặt ngay từ đầu, Thạc sĩ- Bác sĩ Trần Hòa nhận xét: Thời gian đầu, chúng tôi trực tiếp làm thủ thuật, nhưng trong 6 tháng gần đây, tất cả các ca chụp và can thiệp động mạch vành đều do bác sĩ và ê-kíp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một cách thuần thục; điều đó khẳng định bệnh viện đã hoàn toàn nắm được kỹ thuật can thiệp mạch vành.
Là một bệnh nhân đặt 3 stent (giá đỡ) trong động mạch vành, bản thân tôi cảm nhận rõ tác dụng mang lại của kỹ thuật can thiệp mạch vành. Trước khi can thiệp, tôi có 2 lần nhập viện cấp cứu vì bệnh tim, trong sinh hoạt chỉ cần bước lên vài bậc cấp cầu thang là thở dốc như mới chạy 100 m. Nay thì tôi có thể xuống biển bơi lội liên tục hằng giờ. Thường xuyên gặp gỡ trao đổi với những người đồng bệnh tim mạch vành, tôi cũng nhận được các ý kiến tương tự, hầu hết mọi người đều cho biết sức khỏe cải thiện thấy rõ sau khi đặt stent can thiệp. Ông Dương Phẩm, 72 tuổi, một bệnh nhân mạch vành ở thôn Đắc Nhơn 2 (xã Nhơn Sơn, Ninh Sơn) chia sẻ: Trước kia tôi hay bị xây xẩm, chóng mặt, gần 1 năm nay được can thiệp đặt 1 stent, tháng đầu hơi khó chịu nhưng bây giờ tôi cảm thấy rất khỏe, không còn các triệu chứng cũ nữa. Như vậy, có thể nói trong thời gian qua, Đơn vị Tim mạch can thiệp đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh liên quan đến động mạch vành ngày càng tăng tại tỉnh ta. Do đó, với việc chuyển giao thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ nay người bệnh tỉnh ta được thụ hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên, ngoài giảm chi phí điều trị, điều quan trọng hơn là tranh thủ được thời gian vàng trong bệnh lý nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Có được kết quả này là cả một quá trình phấn đấu lâu dài của tập thể cán bộ, y, bác sĩ bệnh viện và sự giúp đỡ tận tình của lãnh đạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, đội ngũ các bác sĩ, kỹ thuật viên và điều dưỡng của bệnh viện đã ngày càng trưởng thành, dần mang tính chuyên nghiệp trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành. Điều cần nói thêm, việc chuyển giao thành công kỹ thuật can thiệp mạch vành không chỉ là động lực để phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực tim mạch can thiệp, theo dự kiến trong thời gian tới, bệnh viện còn chỉ định điều trị tim bẩm sinh, can thiệp mạch cảnh, mạch não… Đây quả là tin vui cho người dân tỉnh nhà.
Nhìn chung, qua chuyển giao kỹ thuật cao Tim mạch can thiệp, việc điều trị bệnh tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Với mục tiêu “Lấy người bệnh làm trung tâm”, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong thời gian tới công tác khám, chữa bệnh nói chung và điều trị bệnh tim mạch nói riêng đang góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn.
Bạch Thương