Bác Ái: Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học

(NTO) Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, nhưng kể từ khi ngành Giáo dục có chủ trương đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào trường học, đội ngũ cán bộ, giáo viên ở huyện miền núi Bác Ái đã không ngừng nỗ lực tiếp cận để đổi mới việc giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại địa phương.

 

Một giờ học tin học của các em học sinh Trường PT DTBT THCS Ngô Quyền.

Ông Đặng Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái cho biết: Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy trên địa bàn huyện đã dần đi vào nền nếp, mang lại những hiệu quả nhất định trong công tác dạy và học. Trong đó, đối với cấp Tiểu học, do còn nhiều đặc thù và một số khó khăn nên việc ứng dụng tại các trường chỉ mới đạt khoảng 20%, còn ở cấp THCS hiện nay 100% các trường đều đã triển khai, nhất là việc sử dụng giáo án điện tử, giảng dạy bằng máy chiếu, phát qua tivi, sử dụng phòng tin học cho học sinh được áp dụng khá đầy đủ. Hiệu quả mang lại thể hiện từ chất lượng giảng dạy và thành tích học tập của học sinh được đánh giá nâng cao rõ rệt qua từng năm học.

Gần 10 năm giảng dạy môn Lịch sử, thầy giáo Hoàng Sử Lê Vi, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngô Quyền (xã Phước Tiến) đã tiếp cận với giáo án điện tử từ khá sớm. Theo thầy giáo Vi, dạy môn Lịch sử rất cần hình ảnh minh họa, nên phải sắp xếp thời gian để tìm hình ảnh, tư liệu đưa vào bài giảng, giúp các em dễ hình dung, dễ nhớ. Tiết học vì thế mà sinh động, các em chăm chú, hứng thú trong việc học hơn. Không riêng gì thầy giáo Vi, hiện nay tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Ngô Quyền, hầu hết đội ngũ giáo viên của trường đều sử dụng thành thạo các giáo án điện tử trong giảng dạy. Nhà trường hiện có 3 phòng chức năng, trong đó 2 phòng sử dụng máy chiếu và 1 phòng ứng dụng tivi trong công việc giảng dạy; đồng thời trường có thêm một phòng tin học với 20 máy tính bàn để cho các em tiếp cận với môn học CNTT. Em Pi Năng Thị Mộng, lớp 8 chia sẻ: Các tiết học có sử dụng giáo án bằng máy chiếu của thầy, cô giáo giúp em tiếp thu bài rất nhanh. Ngoài giờ học chính, khi có thời gian rảnh, bằng những kiến thức học từ nhà trường qua việc ứng dụng tin học chúng em có thể tìm kiếm thêm những thông tin liên quan đến môn học khác như Ngữ văn, Địa lý… trên Internet rất bổ ích.

Theo thầy giáo Lê Trạc Minh, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc Bán trú THCS Lê Lợi (xã Phước Thắng), việc ứng dụng giáo án điện tử rất cần thiết và có những điểm ưu việt như trong một bài giảng có thể sưu tầm hình ảnh thực nghiệm, video để lồng ghép, minh họa. Qua đó, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ bài học hơn cách soạn, dạy học theo giáo án truyền thống. Trường chúng tôi triển khai việc này từ năm học 2014–2015. Nhà trường luôn khuyến khích và đã triển khai sâu rộng đến cán bộ, giáo viên ở trường. Đến nay, toàn bộ giáo viên đứng lớp của trường đã biết sử dụng vi tính để soạn giáo án, dạy học bằng giáo án điện tử.

Có thể nói, việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đối với giáo viên ở huyện miền núi Bác Ái đang ngày càng trở nên phổ biến và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Từ đó, có thể thấy nhu cầu trong việc sử dụng trang thiết bị để đưa vào giảng dạy là rất cần thiết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, cái khó hiện nay là cơ sở vật chất, thiết bị tại địa phương còn rất thiếu. Ở cấp Tiểu học còn nhiều trường chưa có trang thiết bị; cấp THCS trung bình mỗi trường chỉ mới được trang bị một máy chiếu để phục vụ việc giảng dạy bằng giáo án điện tử; một số trường máy móc đã xuống cấp, chi phí để sửa chữa thì hầu như không có… Vì vậy, thời gian đứng lớp của đội ngũ giáo viên bằng phương pháp ứng dụng CNTT rất hạn chế, nên rất cần có sự quan tâm của ngành Giáo dục trong việc đầu tư thêm trang thiết bị để việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngày càng đi vào sâu rộng, góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương trong tương lai.