Để đến được thôn Tà Nôi có độ cao gần 400 m so với mặt nước biển, chỉ có duy nhất một con đường là băng rừng dài 7km từ trung tâm xã Ma Nới chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ vượt con đường mòn rộng chừng 1m đầy đá sỏi, bùn lầy với những dốc cao chênh vênh giữa một bên là rừng Pha Róa, núi Weng vắng vẻ, một bên là vực sâu thăm thẳm. Càng đi, chúng tôi càng trân trọng nhiều hơn trước sự tận tụy của đội ngũ thầy, cô giáo đã nhiều năm âm thầm vượt khó trong hành trình “cõng chữ lên non” với tâm huyết giúp cho vùng căn cứ cách mạng đẩy lùi “giặc dốt”.
Tập thể giáo viên Trường TH Tà Nôi luôn tâm huyết với nghề.
Đến Trường TH Tà Nôi gần giữa trưa, khuôn viên trường được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ngay từ cổng vào trường, chúng tôi đã cảm nhận được không khí học tập ở đây thật sôi nổi. Trong các lớp học, học sinh chăm chú học đánh vần tiếng phổ thông rất rõ ràng, rành mạch hòa cùng lời giảng bài ân cần của thầy, cô giáo. Thầy giáo Pinăng Hè, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Những năm qua, công tác dạy và học luôn được nhà trường đẩy mạnh, cơ sở vật chất từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nhà trường chủ động đề ra và thực hiện có hiệu quả những giải pháp duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục, nên những khó khăn trước đây giảm nhiều. Trường TH Tà Nôi, hiện có 5 lớp, với 107 học sinh, trong đó 99% học sinh là con em người đồng bào Raglai. Trước đây, con em đồng bào học tiếng phổ thông rất chậm, nên việc giao tiếp cũng như dạy học của thầy cô giáo rất khó khăn, đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng giáo dục. Từng bước khắc phục khó khăn, nhà trường đã đề ra giải pháp cứ trước thời gian khai giảng năm học mới, nhà trường dành 7 tuần lễ dạy tiếng phổ thông cho tất cả học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Nhờ đó, chất lượng dạy và học ngày càng nâng lên nhiều. Trong năm học 2017-2018, nhà trường bắt đầu thực hiện chương trình dạy 2 buổi/ngày cho học sinh các lớp 1,2, 3 vào hai ngày thứ 3 và thứ 4 hàng tuần. Qua đó, các em vừa học chữ, vừa học nâng cao các kỹ năng sống, từng bước gần với trong giao tiếp, biết tự chăm sóc mình trong sinh hoạt cá nhân và dần cảm nhận được chuyện “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Cùng với đó, nhiều năm qua, nhà trường rất chú trọng việc dạy phụ đạo cho các em lớp 4 và 5 vào các buổi chiều hàng tuần, nên số học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi mỗi năm tăng lên đáng kể. Nhờ vậy, học sinh bỏ học, nghỉ học cách nhật không còn xảy ra, tỷ lệ học sinh đến lớp luôn bảo đảm trên 90%. Theo chia sẻ của cô giáo Lê Thị Hồng Gấm, sự đồng lòng giữa nhà trường, cán bộ thôn và phụ huynh là biện pháp hiệu quả trong thực hiện các giải pháp bảo đảm sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em vùng sâu, vùng xa.
Giờ đây, đồng bào Raglai ở thôn Tà Nôi đã nhận biết được việc cho con mình đến trường là điều rất cần thiết, cho nên bà con luôn chủ động đưa con đến trường khi đến độ tuổi. Chị Katơ Thị Nho, có hai con học tại trường giãi bày: Đời tôi và chồng không biết được mặt chữ nên khổ lắm, chỉ biết đèo non cõng rẫy. Gia đình quyết tâm bằng mọi cách cho con học được nhiều cái chữ, để sau này góp sức xây dựng thôn mình tươi đẹp hơn.
Tạm biệt Tà Nôi, chúng tôi tin chắc rằng, với sự tận tụy vì sự nghiệp “trồng người” của những thầy, cô giáo không ngại khó khăn về đường sá, thiếu thốn về vật chất,… dồn hết tâm huyết cho học sinh nơi đây, không chỉ giúp các em nâng cao kiến thức mà còn thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Bởi, trong tương lai, chính các em là những người tiếp tục đưa ánh sáng văn hóa lan tỏa sâu rộng hơn nữa, khi các em hiểu mình biết chữ, học được nhiều kiến thức, thì mới có nhiều đóng góp cho quê mình đủ sự ấm no và hạnh phúc.
Lê Thi