Bảo đảm quyền con người - Mục tiêu nhất quán của Đảng ta

(NTO) Điều 1 Bản Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết số 217A (III) ngày 10-12 đã ghi nhận “Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều được tạo hóa ban cho lý trí, lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình anh em”.

Quyền con người đã được Đảng ta xác định là mục tiêu nhất quán và xuyên suốt kể từ khi Đảng ta ra đời đến nay; quyền con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, xã hội… ngày càng được thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra; đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân … Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 12-7-1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề nhân quyền; Chỉ thị số 44 ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác nhân quyền trong thời kỳ mới và những văn bản pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng có những nội dung quan trọng là: Thứ nhất, nhân quyền là giá trị chung của toàn nhân loại; thứ hai, trong xã hội có phân chia giai cấp đối kháng, khái niệm nhân quyền mang tính giai cấp; thứ ba, nhân quyền vừa có tính phổ biến, vừa có tính đặc thù, phụ thuộc vào truyền thống, đặc điểm và trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia; thứ tư, nhân quyền và quyền dân tộc cơ bản là thống nhất; thứ năm, nhân quyền phải được pháp luật quy định; thứ sáu, quyền không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm; thứ bảy, các quyền con người cần được tôn trọng và bảo đảm một cách bình đẳng; thứ tám, tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trước hết là trách nhiệm của mỗi quốc gia; thứ chín, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người gắn với việc bảo vệ và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, bình đẳng và cuộc sống phồn vinh tại mỗi quốc gia và trên thế giới; thứ mười, đối thoại và hợp tác quốc tế là yêu cầu cần thiết, khách quan để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền; thứ mười một, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Việt Nam, là yêu cầu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền và là động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Một vấn đề rất quan trọng là quyền không tách rời nghĩa vụ; dân chủ phải đi đôi với kỷ cương. Với nhận thức nhất quán, Đảng ta khẳng định quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội; quan trọng hơn, vấn đề quyền con người xuất phát từ chính mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ, bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực và vì thế việc bảo vệ và phát huy quyền con người là trách nhiệm chung mà tất cả các cấp, các ngành và địa phương phải tích cực chủ động thực hiện để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh được ghi nhận trong lời nói đầu của Hiến pháp năm 2013. Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã dần tương thích với Luật Quốc tế về quyền con người. Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng đã xác định bảo đảm mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh. Quốc hội nước ta cũng đã sửa đổi và ban hành mới nhiều đạo luật liên quan đến quyền con người, trong đó đáng chú ý là Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng Hình sự; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi); Luật Trưng cầu ý dân; Luật Tạm giữ, tạm giam; Luật Căn cước công dân; Luật Tiếp cận thông tin …Hệ thống văn bản pháp luật bảo đảm quyền con người đã dần được hoàn thiện nhằm tạo khung pháp lý và chính sách ngày càng hoàn chỉnh hơn góp phần tạo bước phát triển mới cho việc bảo đảm quyền của người dân. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy, thực hiện dân chủ từ cấp cơ sở nhằm bảo đảm quyền làm chủ của người dân. Vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật được chú trọng hơn; các tổ chức xã hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân …

Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Nhân quyền thế giới, các cơ quan tư pháp tỉnh nhà (trong đó có hội viên và tổ chức Hội luật gia các cấp) đề cao trách nhiệm trong việc phổ biến pháp luật và thực thi hiệu quả để bảo đảm quyền con người được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013.