Các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở một số xã của các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Hải. Đồng thời cần đề phòng ngập lụt do mưa lớn khu vực Tp. Phan Rang, Ninh Phước, Thuận Nam, Ninh Hải và Thuận Bắc. Hiện nay, tỉnh ta đang triển khai đồng loạt các giải pháp ứng phó với mưa lũ sau cơn bão số 14.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ông Trần Văn Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Ngay sáng ngày 19-11, các đoàn công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã trực tiếp xuống các địa bàn xung yếu để kiểm tra công tác triển khai ứng phó với mưa lũ. Đồng thời, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1786/CĐ-TTg về ứng phó khẩn cấp bão số 14 và mưa lũ; Công điện số 90/CĐ-W của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai; Công điện số 4840/CĐ-UBND, Công điện số 4842/CĐ-UBND, Công điện số 4843/CĐ-UBND về triển khai công tác ứng phó bão số 14.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển. Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 12, các địa phương cần quyết liệt và chủ động, kể cả cưỡng chế triển khai di dời dân ở những vùng xung yếu, ven biển, tàu thuyền, lồng bè trên biển; vùng nguy cơ sạt lở cao, vùng lũ quét, chỉ đạo người dân chằng, chống nhà cửa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Ninh Thuận thường xuyên theo dõi diễn biến mưa lũ, kịp thời thông báo cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan biết, chủ động chỉ đạo ứng phó. Các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh và các huyện, thành phố thường xuyên thông báo diễn biến của mưa lũ cho người dân biết để ứng phó. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi mưa lũ, lụt xảy ra.
Hiện nay, tổng dung tích 21 hồ chứa đạt 157,75 triệu m3/194,49 triệu m3, trong đó có 7 hồ mở và xả tràn. Do thời gan qua trên địa bàn tỉnh mưa nhiều, các hồ đã tích nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra lại an toàn các hồ đập, các hồ thủy lợi đang còn thấp thì sẵn sàng tích nước, các hồ gần đạt ngưỡng từ 90-95% cần vận hành an toàn, cảnh báo tình huống xả lũ cho các địa phương để chủ động ứng phó, nếu xả sai quy trình sẽ kỷ luật nghiêm đối với các cơ quan, cá nhân vi phạm. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để ứng phó kịp thời với tình huống xấu có thể xảy ra, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Sở Giao thông vận tải triển khai đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai thực hiện việc sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Các chủ đầu tư, sở, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai ngay phương án bảo vệ các công trình đang thi công để đảm bảo an toàn trong khi mưa lũ xảy ra. Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để chủ động phương án và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống lũ lụt ở cơ quan, đơn vị mình.
Về diễn biến cơn bão số 14, xác định đây là một cơn bão diễn biến phức tạp, dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào Ninh Thuận nên công tác chủ động phòng, chống và ứng phó với cơn bão đã được tỉnh triển khai đồng bộ và quyết liệt. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ với tinh thần chủ động, khẩn trương, quyết liệt; nắm chắc tình hình, triển khai có hiệu quả công tác ứng phó với bão số 14 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Đến 21 giờ, ngày 18-11, 100% tổng số tàu thuyền 2.651 chiếc/16.474 lao động trên địa bàn tỉnh đã được liên lạc, cảnh báo neo đậu và rút ra khỏi vùng nguy hiểm ảnh hưởng do bão. Các phương tiện tàu thủy, tàu du lịch, lồng bè nuôi trồng thủy sản được chằng chống, 133 lao động được yêu cầu và đưa vào bờ; di dời 4.663 hộ/18.443 nhân khẩu ở vùng xung yếu đến nơi an toàn; tổ chức chằng chống trên 4.749 căn nhà, đảm bảo an toàn cho người dân; thực hiện các phương án đảm bảo an toàn trên các hồ chứa. Tại cuộc họp với lãnh đạo về ứng phó với cơn bão số 14, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương tỉnh Ninh Thuận chủ động, tích cực, tập trung, quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống bão. Đồng thời lưu ý, Ninh Thuận là tỉnh có kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ quan, trường học, nhà dân chưa đủ kiên cố để chống chọi với bão, mưa lũ. Do đó, tỉnh phải tiếp tục tăng cường các giải pháp ứng phó, nhằm giảm thiệt hại. Tỉnh cần rà soát, kiểm tra lại các hồ đập, có giải pháp vận hành an toàn. Cùng với đó phải có giải pháp bảo vệ công trình dân sinh, bảo đảm công trình giao thông, thủy lợi, bảo đảm an toàn giao thông, thông tin liên lạc. Chủ động triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó hậu quả do bão lũ gây ra.
Xuân Bính