Những kết quả bước đầu
Để Luật Tiếp công dân năm 2013 được phổ biến sâu rộng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TU ngày 3-9-2014 của Tỉnh ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo”, ngày 10-10-2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 23/2014/UBND về việc triển khai thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, công văn để cụ thể hóa việc thực hiện. Song song với đó, cấp ủy và chính quyền các cấp cũng đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường triển khai thực hiện công tác tiếp công dân và kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác tiếp công dân. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung, hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn.
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp và giải quyết kiến nghị của các tổ chức, cá nhân.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ khi triển khai thực hiện Luật đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tiếp 5.795 lượt/8.047 người, liên quan đến 5.687 vụ việc. Trong đó, căn cứ nội dung, tính chất vụ việc thì về khiếu nại có 4.763 vụ, tố cáo 67 vụ; kiến nghị, phản ánh 907 vụ. Về xử lý đơn, toàn tỉnh đã tiếp nhận 11.531 đơn, trong đó có 9.523 đơn đủ điều kiện xử lý. Nội dung người dân khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đất đai; thu hồi đất, chính sách bồi thường khi thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư; khiếu nại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất trong nội bộ nhân dân và trong đó có nhiều vụ việc đã phát sinh từ những năm trước đã được xem xét giải quyết nhưng người dân không đồng ý. Hầu hết các đơn đủ điều kiện đều được các cấp, ngành liên quan xử lý đúng theo luật định, không những đem lại niềm tin trong nhân dân, mà còn góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), công tác tiếp dân được lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm, tại Phòng tiếp dân luôn bố trí cán bộ thanh tra trực, tiếp công dân tất cả các ngày trong tuần, đồng thời, ghi chép, theo dõi số lượt tiếp dân, vào sổ đăng ký đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, tại Phòng tiếp dân có niêm yết nội quy, quy chế và lịch tiếp dân để công dân thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ khi đến phòng tiếp dân. Ông Nguyễn Văn Quế, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ tháng 7-2014 đến nay, Sở đã tiếp 221 lượt/273 người đến để khiếu nại, tố cáo, phản ánh, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường. Thông qua công tác tiếp dân, ngoài ghi nhận, hướng dẫn, giải thích những thắc mắc, kiến nghị của công dân, cán bộ tiếp công dân còn trực tiếp tuyên truyền các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và lĩnh vực TN&MT để công dân biết, thực hiện đúng quy định. Qua đó, đã hạn chế được nhiều trường hợp khiếu nại phát sinh do chưa nắm rõ các quy định của pháp luật, nên số lượng công dân đến Sở để khiếu nại, phản ánh, kiến nghị, tố cáo trong các năm gần đây có giảm so với những năm trước đây.
Một số hạn chế cần khắc phục
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, người dân ngày càng nhận thức đầy đủ hơn các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; đồng thời việc tiếp công dân đã được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi bố trí cán bộ có kinh nghiệm, có chuyên môn, đáp ứng yêu cầu khi có công dân đến thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Điều cũng rất đáng ghi nhận là hầu hết cán bộ tiếp công dân đều có thái độ chuẩn mực, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; thủ tục đơn giản, thuận tiện, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật... Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, một số nơi khi tiến hành thẩm tra, xác minh và ra quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tạo điều kiện cho người khiếu nại, tố cáo thực hiện các quyền được pháp luật cho phép; một số trường hợp công dân nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dẫn đến đòi hỏi quyền lợi quá mức, trái quy định pháp luật, một số quá khích gây mất trật tự trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, vai trò tham gia của luật sư mới chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ, tư vấn về pháp luật đối với người khiếu nại chứ chưa phải với tư cách đại diện để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại. Ở một số địa phương, công tác tiếp công dân có lúc còn mang tính hình thức, thậm chí còn né tránh; chưa gắn công tác tiếp công dân với việc xem xét, kết luận, giải quyết kịp thời ngay từ cơ sở khi mới phát sinh vụ việc. Một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ tiếp công dân chưa nghiêm túc, chưa thường xuyên; một số cơ quan giao việc tiếp công dân cho cán bộ, không kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả chưa cao...
Để Luật Tiếp công dân năm 2013 thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong cuộc sống, bảo đảm đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khiếu kiện, góp phần ổn định xã hội, mong rằng những hạn chế đã nêu cần sớm được khắc phục, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật trong nhân dân, nhất là ở cơ sở.
Mai Dũng