Biến đổi khí hậu: Liên hợp quốc cảnh báo khó đạt mục tiêu gây quỹ thường niên 100 tỷ USD

Ngày 10-11, Tổng Thư ký (TTK) Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres (An-tô-ni-u Gu-te-rết) cho biết cần phải huy động 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông thừa nhận đây là mục tiêu không dễ dàng.

Trả lời phỏng vấn trước khi đến thành phố Bonn (Bon) của Đức để dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP23), TTK Guterres cho rằng việc thành lập quỹ thường niên 100 tỷ USD này có ý nghĩa quan trọng đối với việc đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo ông, điều này góp phần đáng kể thúc đẩy hành động và xây dựng sự tin tưởng.

TTK Guterres nhận định cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) là một "biện pháp cực kỳ quan trọng cần phải được thúc đẩy" để cắt giảm khí thải và thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris. Ông đặt ra mục riêu giảm ít nhất 25% lượng khí phát thải vào năm 2020.

Trước đó ngày 6-11, COP23 khai mạc tại thành phố Bonn nhằm thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay thông báo Washington rút khỏi thỏa thuận này. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với báo cáo u ám về tốc độ ấm lên của Trái Đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ngày càng mang tính hủy diệt hơn. Trước thềm hội nghị, các chuyên gia về khí hậu cảnh báo rằng các nước phải nhanh chóng nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhằm duy trì nhiệt độ toàn cầu trong giới hạn an toàn.

Theo Hiệp định Paris, các nước giàu đã cam kết tới năm 2020 đóng góp cho quỹ chống biến đổi khí hậu 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đương đầu với tình trạng nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, theo truyền thông, trong số 111 tỷ USD đầu tư cho phát triển công nghệ năng lượng sạch, các nước phát triển chỉ đóng góp 10 tỷ USD.

Theo TTXVN