1. Thông tin đáng chú ý trong tuần, đó là sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng, sự ổn định chính trị, sức mạnh quân sự, các hoạt động ngoại giao và uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế đã đưa Việt Nam vào vị trí trung tâm cơ cấu kinh tế mới của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC). Đây là nhận định của Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giáo sư - Tiến sĩ Vladimir Mazyrin (Vla-đi-mia Ma-dư-rin). Theo hãng tin Nga Sputnik ngày 8-11, phát biểu tại hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Diễn đàn APEC 2017 tại Việt Nam: Những cơ hội phát triển khu vực” tại Moskva, Giáo sư Mazyrin nhận định Việt Nam đã cho thấy hiệu quả kinh tế tốt hơn so với kết quả của các nước công nghiệp thành công nhất trước đây. Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đã tăng gấp 20 lần từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, đặc biệt đã tăng gấp 2 lần chỉ riêng trong 6 năm qua. Chuyên gia hàng đầu của Nga về kinh tế Việt Nam đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam không thấp hơn 5-6% mỗi năm.
Theo Giáo sư Mazyrin, việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC sẽ củng cố thêm uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và vị trí của nước này ở Đông Nam Á và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị cấp cao này cũng là một cơ hội để Việt Nam tiếp tục hợp tác với hai đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cũng như với Nhật Bản nếu Việt Nam tham gia vào thỏa thuận phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hoặc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hội nghị Cấp cao APEC 2017 được kỳ vọng sẽ phát đi một tín hiệu rõ ràng về cam kết của APEC đối với tự do thương mại và hội nhập khu vực, thực hiện “Mục tiêu Bogor” về thương mại tự do và mở cửa ở châu Á - Thái Bình Dương, được các nhà lãnh đạo APEC thông qua khi Indonesia tổ chức và chủ trì APEC 1994.
2. Thông tin cũng rất quan tâm, đó là ngày 6-11, chính quyền Mỹ đã quyết định gia hạn Quy chế Bảo vệ tạm thời (TPS), vốn giúp người di cư các nước Trung Mỹ và một số nước khác khỏi bị trục xuất, song sẽ sớm chấm dứt chương trình này.
Theo các quan chức của Chính phủ Mỹ, TPS sẽ được gia hạn theo từng nước. Cụ thể, chương trình này có hiệu lực đến tháng 7-2018 đối với khoảng 86.000 người Honduras, trong khi đó khoảng 5.300 người di cư Nicaragua sẽ tiếp tục ở lại Mỹ thêm 1 năm, cho đến tháng 1-2019, sau khi chương trình này hết hạn vào đầu tháng 1-2018. Những người này đã được cấp quy chế bảo vệ tại Mỹ sau khi bão Mitch đổ bộ vào khu vực Trung Mỹ năm 1999. TPS được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1990 và đã nhiều lần được gia hạn sau khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên khác. Hiện tại, TPS đang bảo vệ tới 300.000 người thuộc 9 quốc gia. Giới chức Mỹ nhấn mạnh việc chấm dứt TPS đối với người di cư là một phần trong nỗ lực siết chặt làn sóng di cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
3. Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã tuyên bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp và cấm mọi hoạt động xây dựng cũng như các xe tải vào thành phố do lượng khói độc vượt ngưỡng cho phép trong ngày thứ ba liên tiếp.
Theo nhà chức trách, tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa tại các bang làm nông nghiệp xung quanh thủ đô New Delhi, khí thải từ các phương tiện vận tải cùng với lượng khói bụi từ các công trình xây dựng đã gây ra tình trạng ô nhiễm khủng hoảng hiện nay. Cơ quan dự báo thời tiết nhận định do bị tác động bởi nhiều yếu tố, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng trong năm nay.
Chỉ số chất lượng không khí PM 2,5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) ghi nhận được tại thời điểm 10 giờ sáng địa phương (12 giờ Việt Nam) là 608, trong khi mức an toàn chỉ là 50. PM 2,5 là loại hạt nhỏ hơn 30 lần so với sợi tóc người. Những hạt bụi này bị hít vào phổi có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh khác về đường hô hấp.
Nhiều người dân sống trong thành phố đã cảm nhận thấy các triệu chứng như đau đầu, ho, đau mắt. Không khí ô nhiễm đã khiến nhiều người buộc phải ở trong nhà, hàng quán ở một số khu vực đông đúc nhất cũng trở nên vắng vẻ hơn.
Hiện nhiều trường học tại New Delhi đã thông báo đóng cửa đến hết tuần này và chính quyền thành phố cũng công bố một loạt biện pháp làm sạch không khí. Toàn bộ các phương tiện vận tải bị cấm vào thành phố trừ một số trường hợp đang vận chuyển những nhu yếu phẩm cần thiết, mọi hoạt động xây dựng cũng bị ngừng và phí đỗ xe trong nội đô cũng tăng gấp 4 lần để buộc người dân phải sử dụng các phương tiện công cộng. Riêng tại bang Punjab, chính quyền đã cho phép 25.000 trường học trên toàn bang nghỉ học.
CĐ