1. Trong nước:
* Ngày 4-11-1991: Việt Nam được kết nạp là thành viên thứ 156 của Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol).
Tại kỳ họp lần thứ 61 Ðại hội đồng Interpol, Cảnh sát Việt Nam đã gia nhập Interpol và trở thành thành viên thứ 156 của tổ chức này. Ðây là sự kiện đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn của lực lượng Cảnh sát Việt Nam, mở ra một cơ chế hợp tác đa phương trong thực thi pháp luật phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hơn 25 năm qua, lực lượng Công an Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, nghĩa vụ của một nước thành viên có trách nhiệm. Hàng năm, Interpol Việt Nam đã xử lý hàng ngàn lượt thông tin tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
* Ngày 4-11-1993: Khởi công xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Yaly.
Nhà máy Thủy điện Yaly.
Nhà máy Thủy điện Yaly gồm 4 tổ máy, tổng công suất thiết kế 720MW, với tổng vốn đầu tư 8.312 tỷ đồng. Ngày 23-6-2000, tổ máy số 1 chính thức đi vào hoạt động. Tổ máy cuối cùng được hoàn thành vào ngày 30-12-2001.
Sau khi chính thức được khánh thành ngày 27-4-2002 Nhà máy đã thực hiện tốt 4 mục tiêu lớn là: cắt lũ mùa mưa lũ; cung cấp nước cho hạ du mùa khô; phát triển kinh tế-xã hội địa phương và cung cấp điện cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Thế giới
* Ngày 4-11-1981: Liên Xô phóng thành công tàu Venera-14.
Trong các ngày 30-10 và 4-11-1981, Liên Xô phóng liên tiếp hai tàu thăm dò Venera-13 và Venera-14 về phía Sao Kim.
Hai tàu có cấu tạo giống hệt nhau, bao gồm 2 phần chính: module đổ bộ (Lander) có nhiệm vụ chụp ảnh, phân tích đất đá, địa chất của Sao Kim; module quỹ đạo (Orbiter) đóng vai trò trạm trung chuyển dữ liệu từ module đổ bộ về Trái Đất.
4 tháng sau khi rời mặt đất, ngày 5-3-1982, Venera-14 tiếp cận Sao Kim. 2 module Lander và Orbiter tách khỏi nhau. Module Lander dùng dù đổ bộ thành công xuống bề mặt Sao Kim và đã tiến hành thành công việc chụp ảnh bề mặt Sao Kim và khoan xuống dưới bề mặt để lấy mẫu và phân tích.
Tuy nhiên, module này đã thất bại trong việc lấy mẫu đất đá trên bề mặt hành tinh. Module đổ bộ hoạt động tổng cộng 57 phút trong nhiệt độ 465 độ C, áp suất 94 atm (nhiều hơn 25 phút so với dự kiến).
* Ngày 4-11-2016: Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực.
Hiệp định có hiệu lực trong bối cảnh khí phát thải nhà kính được dự báo sẽ tăng lên từ 12-14 tỷ tấn vào năm 2030.
Hiệp định quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Hiệp định cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với văn kiện này, khoảng 200 quốc gia sẽ bắt đầu thực hiện các kế hoạch quốc gia nhằm cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính theo cam kết đề ra.
Theo TTXVN