APEC 2017: APEC hướng tới tương lai

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được thành lập vào thời điểm trỗi dậy của toàn cầu hóa kinh tế, là cơ chế hợp tác kinh tế quan trọng nhất của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vậy nên vai trò và trọng trách của APEC trên trường quốc tế là không thể phủ nhận.

* Trách nhiệm của APEC

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, APEC có thể thích ứng với những môi trường thương mại phức tạp ngay từ khi tổ chức này chỉ đơn thuần là một hiệp ước linh động và mang tính tự nguyện. Bằng cách quy tụ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc cùng một số nền kinh tế nhỏ hơn lại với nhau, APEC có thể hưởng lợi từ những gì mà các nền kinh tế khác nhau có thể đem lại, với thực tế là khối này đã hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong khu vực.

Châu Á-Thái Bình Dương là một mô hình thu nhỏ của thế giới, là khu vực năng động nhất của kinh tế thế giới. Trong mấy thập kỷ qua, quá trình phát triển của APEC và tiến trình toàn cầu hóa kinh tế có liên quan chặt chẽ. Là người tiên phong, dẫn dắt trong hợp tác kinh tế khu vực, các nền kinh tế thành viên APEC có trách nhiệm và khả năng trong việc thăm dò có chiều sâu trong lĩnh vực tăng trưởng toàn diện, để tất cả các bên đều có lợi từ việc tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực.

Báo Liên hợp Buổi sáng của Singapore mới đây đã đăng bài viết của tác giả Trương Quân, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận định rằng: APEC tập hợp các nền kinh tế phát triển và đang phát triển chính của khu vực, tính đa dạng là nét đặc sắc lớn nhất của APEC. Trong một thời gian dài, các thành viên APEC luôn kiên trì tự do hóa và thuận lợi hóa đầu tư thương mại cũng như hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật, nêu cao phương thức hợp tác tự chủ tự nguyện, thông qua hợp tác kinh tế, dần thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo ra mô hình các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau cùng thúc đẩy hội nhập kinh tế.

APEC cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng kết nối, tương tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bởi đó là con đường hiệu quả để đột phá qua nút cổ chai phát triển, thực hiện tăng trưởng toàn diện. APEC nên đi sâu thực hiện “quy hoạch kết nối” và trao đổi nhân sự, mạnh tay cải thiện trình độ kết nối cơ sở hạ tầng ở các khu vực lạc hậu, xa xôi hẻo lánh, để dân chúng ở các khu vực này tham gia vào hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực, chia sẻ những lợi ích của tăng trưởng kinh tế. APEC nên tăng cường hợp tác kinh tế Internet và kỹ thuật số, nâng cao trình độ kết nối cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong khu vực, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, giúp cho càng nhiều người chia sẻ lợi ích kỹ thuật số.

APEC cũng cần tập trung mở ra những lĩnh vực hợp tác mới, xác định việc hỗ trợ toàn diện là một trong những trụ cột của tăng cường cải cách kinh tế, thúc đẩy đổi mới phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. APEC đã vạch ra chiến lược giáo dục, đề xuất xây dựng cộng đồng giáo dục với nét đặc sắc là toàn diện và chất lượng cao vào năm 2030 và nên lấy đó làm kim chỉ nam, nỗ lực thúc đẩy hợp tác giáo dục ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nhanh chóng năng lực giáo dục công dân và tạo việc làm.

* Tầm nhìn APEC

Các nhà phân tích cho rằng đối với APEC, năm 2020 sẽ là một cơ hội để tuyên bố chiến thắng các mục tiêu Bogor. Mặc dù mục tiêu thương mại và đầu tư hoàn toàn cởi mở và tự do này sẽ không bao giờ đạt được, nhưng các nhà lãnh đạo APEC có thể tự hào về những tiến bộ kể từ năm 1989. Phần lớn hàng hoá sẽ không phải đối mặt với những rào cản thương mại hoặc đối mặt với rào cản rất thấp, sự tiến bộ đáng kể đã đạt được nhằm làm giảm bớt các hạn chế về thương mại dịch vụ và hầu hết các lĩnh vực đang mở cửa cho đầu tư quốc tế.

Sau năm 2010, các nhà lãnh đạo APEC có thể hành động vượt ra ngoài chính sách thương mại. Họ có thể làm sống lại các mục tiêu rộng hơn cho khu vực tại cuộc họp đầu tiên vào năm 1993. Những mục tiêu này bao gồm phát triển chính sách hợp tác để đối phó với những thách thức đang nổi lên, trong đó có nhu cầu bảo vệ môi trường, thúc đẩy khả năng kết nối tốt hơn và phát triển nguồn nhân lực. Trong số này, họ có thể thiết lập các mục tiêu thực tế nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách và quan trọng nhất, đem lại hiệu quả cho hợp tác tự nguyện giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Sự nóng lên toàn cầu là thách thức kinh tế cấp bách nhất đối với khu vực. APEC có thể đã nhận được một số lời khen ngợi sau Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, nơi mô hình tự nguyện của APEC giúp giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và chuyên môn giữa các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp đẩy nhanh việc nắm bắt những cơ hội công nghệ mới để giảm lượng khí thải. Ví dụ, một số nền kinh tế khu vực có thể khuyến khích những nền kinh tế khác thiết lập các mục tiêu giảm dần khí thải, trong khi mức sống tiếp tục tăng.

Những tiến bộ về công nghệ thông tin, người máy và trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến những điều chỉnh cơ cấu sâu rộng và những thay đổi trong thị trường lao động. Các công nghệ mới này là một cơ hội, chứ không phải là một mối đe dọa. APEC, phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nên nghĩ đến công nghệ mới có thể cách mạng hóa khả năng của các cá nhân như thế nào, bắt đầu ngay từ khi còn rất trẻ, để tiếp thu và sử dụng các kỹ năng mới.

APEC đang giúp xác định những cơ hội làm cho thương mại quốc tế rẻ hơn, dễ dàng hơn và nhanh hơn bằng cách cải thiện các chính sách và thể chế. Việc hành động dựa trên những cơ hội này sẽ đòi hỏi nguồn lực tài chính. Kết nối chất lượng cao ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần hàng nghìn tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng kinh tế. Việc đầu tư như vậy sẽ cần được hỗ trợ với nhiều triệu USD chi tiêu phát triển nguồn nhân lực và thể chế, để đảm bảo việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là khả thi và hợp lý.

Việc nắm bắt những cơ hội như vậy không có nghĩa là bỏ qua đầu tư, thương mại tự do và cởi mở. Tuy nhiên, APEC không nên để mình bị sa lầy trong cuộc đàm phán về thương mại đối với một số thứ hàng hóa nhạy cảm. Hợp tác tự nguyện giữa các chính phủ châu Á-Thái Bình Dương có thể giúp hiện thực hóa nhiều cơ hội quan trọng mà Kế hoạch Thực hiện Lộ trình Cạnh tranh Dịch vụ của APEC tạo ra.

Theo giới quan sát, thay vì thiết lập một mục tiêu không thể đạt được cho giấc mơ đầu tư, thương mại tự do và cởi mở, APEC có thể thiết lập các mục tiêu đầy tham vọng nhưng thực tế ở trung hạn.

Theo TTXVN