Làm giàu từ đồng đất Rã Trên

(NTO) Ông Sằn Quang Dưỡng, dân tộc Nùng đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ đồng đất Rã Trên thuộc xã Phước Trung (Bác Ái) bằng việc phát triển chăn nuôi gia súc có sừng theo mô hình gia trại và chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Ông Sằn Quang Dưỡng thu hoạch thanh long. Ảnh: S.N

Đến thăm gia trại của ông Sằn Quang Dưỡng, chúng tôi gặp ông tất bật với công việc thu hoạch thanh long, chăm sóc đàn cừu. Ít ai biết người nông dân làm ăn căn cơ, sở hữu cơ ngơi bề thế hiện nay ở xã Phước Trung đã nỗ lực vượt khó vươn lên trong những năm đầu khởi nghiệp. Ông Dưỡng gốc gác ở xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), hằng ngày hai vợ chồng ông đạp xe lặn lội lên Phước Trung thu mua phế liệu về bán cho các chủ vựa. Nhìn thấy Phước Trung có đồng cỏ tự nhiên dưới tán rừng thuận lợi cho việc chăn thả gia súc, gia đình cũng dời cư từ Mỹ Sơn lên Phước Trung lập nghiệp từ năm 1992 đến nay. Thời gian đầu, vợ chồng ông dành dụm vốn liếng mua 30 con cừu sinh sản chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên. Để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho đàn cừu, ông trồng 7 sào cỏ voi chủ động bơm tưới từ suối Sa Ra. Nhờ chăm sóc và tiêm phòng bệnh đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã nên cừu sinh sản tốt và phát triển nhanh. Qua nhiều lần bán cừu xây dựng nhà ở khang trang và đầu tư mở rộng sản xuất, đến nay đàn cừu của ông còn 200 con. Ngoài ra, ông còn đa dạng loài nuôi với 50 con bò lai sind và 30 con dê bách thảo.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng ít sử dụng nước tưới, ông Sằn Quang Dưỡng vào Long An học nghề trồng thanh long ruột đỏ. Ông chủ động đầu tư gần 150 triệu đồng đúc trụ, mua hom giống trồng 800 trụ thanh long trên diện tích 8 sào. Đồng thời, đầu tư 100 triệu đồng lắp đặt trạm biến áp 25 KVA cung cấp nguồn điện để chong đèn cho cây thanh long trái vụ và hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Sau 5 năm bén, vườn thanh long ruột đỏ của ông đã cho thu hoạch hương vị thơm ngon. Thương lái từ Bình Thuận đưa xe tải ra tận vườn ông thu mua với giá trung bình 10-12 ngàn đồng/kg. Trong thời gian tới, để có đầu ra ổn định, ông mong muốn được cấp trên cử cán bộ về địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng thanh long ruột đỏ theo hướng VietGAP đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Từ mô hình gia trại chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp trồng thanh long ruột đỏ, hằng năm gia đình ông Sằn Quang Dưỡng có thu nhập 150-200 triệu đồng. Ông tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương có thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn đầu tư 120 triệu đồng mua máy cày Kubota áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất và vận chuyển phân bón, nông sản. Khi được hỏi kinh nghiệm làm giàu trên đồng đất Rã Trên, ông Sằn Quang Dưỡng chia sẻ: Buổi đầu khởi nghiệp, vợ chồng tôi chỉ có chiếc xe đạp lặn lội thu mua phế liệu nuôi con. Có hôm xe đạp bị hư, phải đi bộ trên 10 cây số từ Phước Trung về Mỹ Sơn. Quyết tâm vượt nghèo, vợ chồng tôi dành dụm vốn liếng đầu tư phát triển sản xuất, chí thú làm ăn và bảo đảm cuộc sống gia đình.

Ông Katơr Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Trung nhận xét: Ông Sằn Quang Dưỡng là hội viên nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu cấp tỉnh. Ông nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp trồng thanh long ruột đỏ ở đồng đất Rã Trên. Mô hình kinh tế hộ của ông Dưỡng được Hội Nông dân cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên học tập kinh nghiệm làm theo để vươn lên thoát nghèo bền vững.