Trong cái tiết đầu xuân, nơi nơi lại náo nức bước vào một mùa lễ hội mà khởi đầu là Tết Nguyên đán - ngày hội lớn nhất trong năm. Tiếp theo, sẽ là lễ hội Đống Đa, Hội Gióng Sóc Sơn, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội chùa Hương, Hội xuân Yên Tử, Hội xuân núi Bà… trở thành điểm hẹn, điểm hội tụ thật phong phú cho những cuộc hành hương. Trải khắp đất nước suốt bốn mùa có đến gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ nhưng rộn rã và tấp nập nhất là vào mùa xuân, mùa khởi đầu cho một năm mới với bao phấn chấn, ấp ủ và dự định tốt lành.
Lễ hội Kiếp Bạc
Lễ hội vốn mang tính cộng đồng, ở đó đông đảo người dân từ mọi miền và du khách hội tụ về với niềm phấn khởi, hào hứng, cùng gặp gỡ, vui chơi, cùng tưởng nhớ, tri ân các đấng linh thiêng, các vị tiền bối dày công đức, cùng cầu an, cầu phước cho mọi người. Lễ hội không chỉ là những ngày vui để người ta tạm quên đi những lo toan thường nhật, vơi bớt những muộn sầu, trắc trở, tìm đến sự thanh thản, bình an và trong sâu thẳm mỗi lễ hội thường bao hàm những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc, hướng tới những biểu tượng thiêng liêng cần suy tôn.
Vì thế, lễ hội không chỉ là nơi người ta hội ngộ để cùng chia sẻ niềm vui, sở thích, lòng thành kính, tri ân… mà còn như cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, làm cho lớp hậu thế thêm hiểu, thêm quý trọng, tự hào về truyền thống quê hương, xứ sở, về những trang sử được viết lên bằng máu, mồ hôi và nước mắt của bao lớp tiền nhân.
Sự đa dạng của lễ hội với vẻ đẹp mang tâm hồn và cốt cách người Việt, thấm đẫm bản sắc văn hóa dân tộc còn là những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách gần xa, để rồi sau những chuyến thưởng ngoạn, khám phá về đất nước con người, Việt Nam sẽ mãi là vùng đất lưu luyến, vấn vương trong lòng bè bạn…
Thấu hiểu giá trị và ý nghĩa sâu sắc của lễ hội, những năm gần đây việc tổ chức và quản lý các lễ hội đã được chính quyền nhiều địa phương quan tâm, góp phần thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vui chơi giải trí của người dân. Dù đã có chấn chỉnh nhiều nhưng bên cạnh những mặt tích cực của lễ hội vẫn xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, sai lệch, biến tướng, thậm chí xô bồ, bát nháo khiến cho các lễ hội có nguy cơ mất dần đi những nét đẹp văn hóa vốn có của nó.
Hẳn nhiều người trong chúng ta, dù gắng quên đi cũng vẫn chưa nguôi ngoai những nỗi buồn bực, những phản cảm, nhức nhối về một số lễ hội. Đã từng có lễ hội hoa vừa trưng ra đã bị vặt trụi, người đi lễ hội thì chen lấn, xô đẩy. Cũng từng có những cuộc nhậu nhẹt huyên náo say sưa với thịt thú rừng ngay đất Phật. Từng có những nơi lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, bài bạc hoặc trở thành nơi tụ tập của những kẻ đeo bám kèo nài, “chặt chém” quấy nhiễu, rồi cả tình trạng mất vệ sinh làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường...
Lễ hội vốn mang tính quần chúng rộng rãi, có tác động và ảnh hưởng sâu đậm đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Vì thế vun đắp một nếp sống văn minh cho lễ hội là vấn đề cấp thiết, cần được nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo, chấn chỉnh một cách toàn diện và triệt để mới đảm bảo được tính văn hóa, tính cộng đồng cũng như sự lành mạnh của lễ hội. Ban tổ chức lễ hội cần chỉ đạo sát sao, toàn diện để sao cho đông đảo người dân và du khách được hồ hởi hòa mình trong không khí náo nhiệt của lễ hội cùng cung cách ứng xử, giao tiếp lịch sự và lắng đọng nghĩa tình, trong một môi trường văn hóa trong lành và bình yên.
Việc tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ và lễ hội tết tại trung tâm TPHCM trong nhiều năm qua với chiều hướng ngày càng quy mô, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, chuyển tải được chiều sâu của truyền thống văn hóa, đã được dư luận đánh giá cao. Đây là một nét đẹp, một thành quả đáng ghi nhận của thành phố. Trong thành công đó có phần đáng kể của việc chú trọng xây dựng văn minh lễ hội.
(Nguồn Báo SGGP)