Hoa sen đang được nhiều ý kiến bình chọn là quốc hoa (ảnh minh hoạ) Ảnh: tuoitho.net
Trong 9 tháng qua, có nhiều loài hoa được đưa ra bình chọn theo 6 tiêu chí mà ban tổ chức đặt ra. Tuy nhiên, tính đến ngày 29.1.2011, theo trung tâm Công nghệ thông tin trên trang www.cinet.vn của bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, có 62,2% người dân có ý kiến bầu chọn hoa sen là quốc hoa Việt Nam.
Tại triển lãm “Lễ hội hoa xuân và đồ uống tết 2011” ở Hà Nội, đông đảo đồng bào thủ đô và nhiều địa phương khác đã bầu chọn hoa sen hồng là Quốc hoa Việt Nam với tỷ lệ bình chọn là 81,3%. Kết quả bầu chọn này được công bố trong “Đêm hội hoa sen Việt Nam” – chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc công bố kết quả bình chọn Quốc hoa Việt Nam diễn ra tại Hà Nội ngày hôm qua 29.1.2011.
Phát biểu tại đêm hội, thứ trưởng bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Tiến Thọ cho biết, trong thời kỳ hội nhập và phát triển quốc tế sâu rộng như hiện nay, bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã trình Chính phủ dự án lấy ý kiến của đông đảo quần chúng nhân dân về Quốc hoa, quốc phục và quốc tửu nhằm gìn giữ, phát huy các nét đẹp văn hóa trong hoạt động ngoại giao cũng như quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế.
Hoa sen là loài hoa có vai trò quan trọng với đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt Nam ; là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt, cũng như cốt cách thanh tao, tinh khiết của dân tộc ta. Hoa sen cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình và cả trong ẩm thực.
Tuy vậy, kết quả bình chọn trên chỉ là bước đầu, ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc bình chọn trong thời gian tới và ra mắt trang web dành riêng để đông đảo nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài cùng tiếp tục bình chọn để lựa chọn loài hoa xứng đáng nhất làm Quốc hoa.
Sáu tiêu chí để lựa chọn Quốc hoa Việt Nam gồm: Loài hoa phải có nguồn gốc được trồng lâu đời ở Việt Nam; là loại hoa tiêu biểu, dễ trồng, phát triển được ở hầu khắp các vùng miền đất nước; thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; hoa bền đẹp về hình thức và màu sắc, có hương thơm; có giá trị về mặt kinh tế, mang lại lợi ích cho nhiều người dân, thông dụng trong đời sống sinh hoạt, luôn có mặt trong sự kiện văn hóa ở trong nước và quốc tế; có giá trị văn học nghệ thuật và được đa số người dân yêu thích, chấp nhận và tôn vinh.
(Theo Sài Gòn tiếp thị online)