Tiến sỹ Kari Risnes thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy và hiện đang là nhà nghiên cứu thỉnh giảng tại Đại học Yale của Mỹ đã cùng với các đồng nghiệp tại đây phân tích các hồ sơ y tế của 1.400 trẻ em và các bà mẹ từ quá trình mang thai cho đến khi chúng được 6 tuổi.
"Chúng tôi phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn đối với những đứa trẻ được cho uống kháng sinh khi còn sơ sinh khi chúng lên 6 tuổi cao hơn 50%. Đây là một tỷ lệ tăng đáng kể," tiến sỹ Kari phát biểu.
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng mối liên hệ giữa việc sử dụng kháng sinh trong sáu tháng đầu sau khi sinh ra và nguy cơ hen suyễn là rất mạnh ở những đứa trẻ xuất thân từ những gia đình không có tiền sử hen suyễn.
Trước đó, các nhà khoa học tại Đại học Manitoba của Canada cũng phát hiện ra rằng trẻ được cho dùng kháng sinh trước 1 tuổi sẽ tăng nguy cơ hen suyễn vì ở trẻ nhỏ, kháng sinh thường được dùng để chữa nhiễm khuẩn đường hô hấp mà các triệu chứng về hô hấp có thể là một dấu hiệu dự đoán trước bệnh hen.
Tiến sỹ Anita Kozyrskyj và cộng sự đã theo dõi việc sử dụng kháng sinh ở 13.116 trẻ em nhỏ dưới 7 tuổi, lưu ý nhiều đến các trường hợp sử dụng kháng sinh trong năm đầu đời và tỷ lệ hen suyễn lúc 7 tuổi.
Trong số trẻ tham gia nghiên cứu, 6% trẻ đang bị hen suyễn; trong số này có đến 65% trẻ dùng ít nhất một loại kháng sinh khi chưa tròn 1 tuổi (40% trẻ dùng điều trị viêm tai giữa, 28% cho nhiễm trùng đường hô hấp trên, 19% nhiễm trùng đường hô hấp dưới, 7% cho các nhiễm trùng ngoài đường hô hấp).
Các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng kháng sinh sử dụng trong năm đầu tiên của cuộc đời liên quan rõ rệt với tỷ lệ hen suyễn ở trẻ 7 tuổi, ở trẻ có bốn lần điều trị với kháng sinh, nguy cơ hen suyễn tăng 1,5 lần so với trẻ không sử dụng kháng sinh.
Nghiên cứu phân ra ba nguyên nhân sử dụng kháng sinh là nhiễm trùng đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), nhiễm trùng đường hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi) và nhiễm trùng khác như chốc, lở, nhiễm trùng tiểu...
Bệnh hen suyễn là bệnh về hệ hô hấp, nghĩa là đường hô hấp thình lình bị thu hẹp thường là phản ứng được kích thích bởi sự tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, không khí lạnh, tập thể thao, hay các kích thích về cảm xúc.
Triệu chứng thu hẹp đường hô hấp tạo nên những cơn rít, thở nhanh, ngực bị co ép và ho là những dấu hiệu của suyễn. Giữa các cơn thì người bệnh cảm thấy bình thường. Giới chuyên môn phân ra làm hai dạng là hen mạn tính và hen cấp tính.
(Theo TTXVN/Vietnam+)