Có mặt tại Trung tâm CTXH tỉnh, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự vất vả của những nhân viên chăm sóc người già không nơi nương tựa tại đây. Công việc hàng ngày của họ là chăm sóc bữa ăn, tắm rửa và giặt giũ quần áo cho người già neo đơn. Ông Trần Đắc Thông, Giám đốc Trung tâm CTXH chia sẻ: Trung tâm được thành lập từ năm 2014, đã tư vấn, trợ giúp cho trẻ mồ côi, người già, trẻ em bị bạo hành, xâm hại, giúp các em ổn định tâm lý, tạo môi trường thân thiện cho trẻ em học tập và phát triển. Tuy nhiên, thực tế những nhân viên làm nghề CTXH ở đây còn khá nhiều khó khăn, vất vả, đặc biệt là chế độ lương và phụ cấp còn thấp, vì vậy đối với những người làm nghề này phải có trái tim yêu thương và cái “tâm” thì mới gắn bó được với nghề.
Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội chăm sóc người già neo đơn.
Cùng làm nghề CTXH nhưng công việc của những người làm cộng tác viên CTXH ở xã, phường, thị trấn còn khó hơn rất nhiều so với những cán bộ tại các cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội. Chị Đặng Thị Thu, cộng tác viên CTXH xã An Hải (Ninh Phước) tâm sự: Là nghề mới nên đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận và nhận sự chia sẻ từ các đối tượng cần trợ giúp, đặc biệt là nhiều lúc phải đi vào giữa trưa hoặc buổi tối thì mới tiếp cận được các đối tượng, ngoài ra thì chế độ bảo hiểm cũng chưa có, trong khi đó nghề này dễ gặp rủi ro khi tiếp xúc với những người bị tâm thần. Mặt khác, tiền lương rất thấp chỉ trên 1,2 triệu đồng/tháng cũng không đảm bảo cuộc sống, nhiều lúc chồng khuyên nghỉ để làm nghề khác, nhưng mình thấy tâm huyết với nghề nên cũng vẫn cố gắng.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tỉnh ta đang trợ giúp thường xuyên cho trên 20 ngàn đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ; toàn tỉnh mới chỉ có 7 cơ sở bảo trợ xã hội (3 cơ sở công lập và 4 cơ sở ngoài công lập) đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 276 đối tượng. Như vậy, số đối tượng cần được bảo trợ xã hội đang sống tại cộng đồng, xã hội là rất lớn và điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cán bộ làm CTXH ở cơ sở. Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ cán bộ tham gia làm nghề công tác xã hội còn rất mỏng, thiếu chuyên nghiệp, phần lớn đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm. Toàn tỉnh chỉ có 32/65 xã, phường, thị trấn có cộng tác viên CTXH hoạt động, nhiều cộng tác viên sau một thời gian tham gia đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác khác, nguyên nhân chủ yếu là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ CTXH và mức phụ cấp cộng tác viên còn thấp nên chưa thu hút được nhiều người tham gia; nhiều người dân còn e dè, thiếu chủ động trong tiếp cận các dịch vụ CTXH...
Có thể nói, việc cung cấp các dịch vụ CTXH kịp thời đang rất cần thiết để phòng ngừa, chăm sóc và hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương, phục hồi và chăm sóc tâm lý xã hội đối với người lạm dụng chất ma túy, người hành nghề mại dâm, người nhiễm HIV, người vô gia cư, phụ nữ và trẻ em bị buôn bán, bạo lực và lạm dụng, người vi phạm pháp luật. CTXH còn có thể hữu ích đối với những nhóm người khác, trong hoàn cảnh khủng hoảng như ở bệnh viện, tòa án, trường học, cơ sở tập trung và cộng đồng và có vai trò trong nghiên cứu xã hội và xây dựng chính sách xã hội.
Đồng chí Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thực tế hiện nay cho thấy nghề CTXH tại tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên CTXH ở cấp xã, phường, thị trấn. Vì vậy đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng; các sở, ngành, đơn vị có liên quan hằng năm cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, trước mắt tập trung phát triển CTXH trong bệnh viện và trường học. Tuyên truyền, vận động trong các tầng lớp nhân dân để mọi người có ý thức, mạnh dạn lên tiếng trước những hành động bạo lực, xâm hại trong học đường, cộng đồng và gia đình hoặc có thể gọi điện thoại cho đường dây nóng đã được thiết lập tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Ninh Thuận để được hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ.
Thế Quang