Chiều 18-9, sau 3 ngày Nghị định 90 của Chính phủ có hiệu lực, tại một số tuyến phố, khu vui chơi, công viên trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, những con chó nuôi vẫn được chủ thả vô tư ngoài đường mà không có xích hay rọ mõm. Chó cảnh, chó thường, chó béc-rê đủ loại vẫn chạy khắp các đường phố, hẻm khu dân cư, thậm chí được chủ bồng, dắt nhưng không có xích hay rọ mõm. Qua khảo sát một số người dân trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đa số tán thành cho rằng, cần thiết phải có chế tài quản lý và thực hiện nghiêm việc cấm chó thả rong để đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến người xung quanh; tránh việc thả rong chó gây mất an toàn giao thông và phòng ngừa bệnh dại do chó cắn. Tuy nhiên, cũng có một số người dân cho rằng việc nuôi chó để coi nhà, bảo vệ tài sản là rất cần thiết trong tình hình an ninh trật tự tại một số địa phương đang phức tạp. Người dân nuôi chó không có ý thức và thói quen tiêm phòng dại cho vật nuôi, không huấn luyện thói quen rọ mõm, xích dẫn từ khi chó còn nhỏ nên rất khó thuần phục thực hiện theo quy định mới. Đó là chưa kể, nhiều người được hỏi, không nắm rõ các quy định này.
Chó thả rong trên phố. Ảnh minh họa
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, nuôi chó là một tập quán tốt của người dân. Pháp luật không cấm việc nuôi chó trong thành phố hay khu dân cư. Tuy nhiên, việc nuôi chó phải đảm bảo các quy định, không gây ảnh hưởng tới môi trường và người xung quanh, phải trông giữ và nhốt cẩn thận để tránh trường hợp tấn công người. Theo quy định, tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn, tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Tổ dân phố để lập danh sách quản lý; theo dõi thời gian tiêm phòng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác phải bị xử lý và bồi thường thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Quy định là vậy, nhưng thực tế các địa phương không quản lý, thống kê cụ thể được số lượng chó được người dân đang nuôi. Lượng chó được tiêm phòng dại cũng rất ít được theo dõi. Thực hiện các quy định của Chính phủ và ngành Nông nghiệp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các địa phương thực hiện, nhưng chủ yếu mới chỉ dừng lại ở các hoạt động tuyên truyền là chính. Mặt khác, tỉnh ta ít xảy ra các vụ việc như các thành phố đông dân cư, tập trung nhiều khách du lịch nên chưa chú trọng thực hiện các biện pháp xử lý mạnh tay. Nhưng về lâu dài cần phải chấn chỉnh thực hiện.
Được biết, trước đây, Đội Quản lý trật tự đô thị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng từng duy trì hoạt động bắt chó thả rong trên các tuyến phố chính, nhưng từ khi ngưng thực hiện thì tình trạng chó thả rong có xu hướng gia tăng. Do đó, để nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, theo quy định tại Nghị định 90 của Chính phủ, chủ nuôi phải tự giác chấp hành các quy định. Người dân cũng cần yêu cầu chủ nuôi không được vi phạm. Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì thông báo cho chính quyền địa phương giải quyết. Trường hợp xảy ra thiệt hại hoặc để chó cắn người phải yêu cầu bồi thường, có biện pháp khắc phục theo quy định. Các địa phương, nhất là khu vực nội thành cần duy trì lực lượng bắt chó thả rong tại các khu vực công cộng, trên các tuyến phố chính để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm; tăng tính răn đe để người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật. Như vậy mới mong các quy định của Nhà nước được thực thi một cách hiệu quả, nghiêm túc.
Anh Tuấn