Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh, cho biết: Hiện nay, NHCSXH tỉnh đang triển khai 15 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, với tổng dư nợ đến ngày 30-6-2017 đạt hơn 1.715 tỷ đồng/73.933 khách hàng, tăng 1.654,672 tỷ đồng (tăng 28,4 lần) so với thời điểm mới thành lập. Trong đó, vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên là 1.712,604 tỷ đồng, chiếm 99,9% trong tổng dư nợ. Hầu hết các hộ vay vốn từ NHCSXH đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, thực hiện việc trả nợ, trả lãi đầy đủ.
Cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn vay cho người dân
xã Phước Đại (Bác Ái). Ảnh: V.M
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 1.674 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động. Để nâng cao chất lượng tín dụng, hàng năm NHCSXH tỉnh chỉ đạo các thành viên phụ trách địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở để theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp với UBND cấp xã, các hội, đoàn thể và các Tổ TK&VV phân tích nợ xấu theo từng chương trình tín dụng, để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp. Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH ngay tại cơ sở, NHCSXH tỉnh đã xây dựng mạng lưới giao dịch tại tất cả 65/65 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nhờ đó, không chỉ giảm bớt thời gian, chi phí đi lại, xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh, đây còn là nơi hoạt động, giao dịch chủ yếu của NHCSXH với khách hàng với tỷ lệ thực hiện: giải ngân đạt trên 82%; thu nợ trên 87% và thu lãi đạt trên 98%. Trong quá trình hoạt động, NHCSXH còn công khai kịp thời, đầy đủ danh sách hộ vay còn dư nợ các chương trình, nợ quá hạn, nợ được xử lý rủi ro, các chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước theo từng thời kỳ, lãi suất cho vay theo từng chương trình, đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội; đồng thời, đảm bảo nguồn vốn vay được giải ngân đến đúng đối tượng thụ hưởng. Mặt khác, hàng tháng tại các điểm giao dịch, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn còn tham gia họp giao ban với ngân hàng, hội, đoàn thể và Tổ TK&VV để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng, tạo điều kiện cho tổ giao dịch xã hoạt động an toàn, hiệu quả.
Nhờ được vay nguồn vốn giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh,
vợ chồng anh Trương Bắc Hà, khu phố 4, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm)
đầu tư mở cơ sở may gia công, mang lại thu nhập ổn định.
Nhờ thực hiện chính sách cho vay linh hoạt, giải quyết các thủ tục hồ sơ nhanh chóng, đến nay, nguồn vốn tín dụng của NHCSXH không ngừng được tăng trưởng. Cụ thể, nếu ở thời điểm mới đi vào hoạt động, tổng nguồn vốn của Chi nhánh chỉ có 79,862 tỷ đồng (trong đó, nhận bàn giao từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cho vay hộ nghèo là 61,277 triệu đồng và nhận bàn giao từ Kho bạc Nhà nước để cho vay giải quyết việc làm là 18,585 tỷ đồng), thì đến ngày 30-6-2017 là 1.724,814 tỷ đồng, tăng 1.663,537 tỷ đồng và gấp 28,2 lần so với năm 2003. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 1.614,110 tỷ đồng, tăng 1.562,256 tỷ đồng và gấp 31,1 lần so với năm 2003 (chiếm 93,6%); nguồn vốn ngân sách địa phương đạt 29,678 tỷ đồng, tăng 20,255 tỷ đồng và tăng gấp 3,15 lần (chiếm 1,7%). Riêng nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất đạt 81,026 tỷ đồng, tăng 81,026 tỷ đồng so với năm 2003. Trong số này, vốn huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ vay thông qua Tổ TK&VV là 43,347 tỷ đồng, chiếm 53,5%, tăng 43,347 tỷ đồng; vốn huy động từ tổ chức, cá nhân 37,679 tỷ đồng, chiếm 46,5% nguồn vốn huy động và tăng 37,679 tỷ đồng so với khi mới thành lập. Đối với vốn huy động tại điểm giao dịch xã bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 10-2016 đến nay đạt 7.243 triệu đồng, với 65/65 điểm giao dịch xã có số dư tiền gửi tiết kiệm (bình quân 111,4 triệu đồng/xã), chiếm 19,2% nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân.
Sau 15 năm đi hoạt động, toàn tỉnh có trên 362 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, qua đó đã giúp cho 46.432 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Ngoài ra, nguồn vốn của NHCSXH còn giúp cho hơn 57 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 7 nghìn hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở; hơn 26 nghìn lượt hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh; trên 150 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài… Kết quả trên đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 1,5-2%. Qua đó, có thể khẳng định, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH tỉnh thực hiện đã góp phần tích cực củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước và khẳng định vai trò, vị thế của NHCSXH tham gia vào xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Và đặc biệt, góp phần thực hiện thành công mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển của NHCSXH giai đoạn 2011-2020, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và sự chỉ đạo của ngành, nỗ lực hoàn thiện bộ máy tổ chức; tiếp tục triển khai tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tích cực và chủ động tham mưu cho UBND và Ban đại diện–Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã phối hợp tích cực với NHCSXH các cấp thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động cho vay vốn và có biện pháp quyết liệt trong xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ đến hạn. Cùng với đó, NHCSXH tỉnh còn tích cực huy động vốn từ dân cư và từ các Tổ TK&VV để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt công tác tuyên truyền để các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn theo quy định. Phấn đấu đến năm 2020, mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm đạt từ 12% trở lên và 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp...
Văn Thanh
Ông Trần Phi Mang
Chủ tịch UBND xã Phương Hải (Ninh Hải):Phương Hải là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Ninh Hải. Được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt từ khi người dân địa phương tiếp cận được nguồn vốn vay của NHCSXH để đầu tư sản xuất, chăn nuôi..., đời sống bà con được nâng lên rõ rệt; riêng từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có 42 hộ thoát nghèo. Tôi mong rằng thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục quan tâm, có thêm nhiều gói vay mới, tạo điều kiện cho bà con có vốn để làm ăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Địa phương sẽ có trách nhiệm hướng dẫn người dân làm ăn, phát huy hiệu quả vốn vay. Nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Chi nhánh NHCSXH tỉnh, thay mặt cho bà con địa phương xin gửi lời cảm ơn chân thành đến toàn thể cán bộ Chi nhánh NHCSXH huyện Ninh Hải nói riêng và hệ thống NHCSXH tỉnh nói chung, chúc NHCSXH sẽ luôn là người bạn thân thiết, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Bà Tôn Nữ Kim Phương
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bắc Phong (Thuận Bắc):
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp cho hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã có thêm 78 hộ phụ nữ được vay với số tiền trên 1,5 tỷ đồng, nâng tổng số hộ được vay lên 630 hộ, với tổng dư nợ trên 20 tỷ đồng. Để nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chị em cách sử dụng vốn vay hiệu quả. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Nhờ chính sách cho vay ưu đãi của NHCSXH đến nay thu nhập kinh tế gia đình của nhiều hội viên phụ nữ được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 87 hộ. Tôi mong rằng trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục mở rộng chương trình và tăng thêm mức cho vay đối với phụ nữ, đồng thời có chính sách gia hạn nợ đối với các hộ vay…
Ông Nguyễn Đức Tín
Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn khu phố 2, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm):
Hơn 7 năm làm Tổ trưởng Tổ TK&VV ở khu phố, tôi thấy NHCSXH tỉnh đã thực hiện tốt trách nhiệm, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương để triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn vay để làm ăn. Nhờ đó, đời sống của bà con đã được cải thiện đáng kể, nhiều hộ đã thoát được nghèo, có điều kiện lo cho con em học hành đến nơi đến chốn. Cụ thể, Tổ TK&VV khu phố chúng tôi hiện có 43 tổ viên, tổng dư nợ vay gần 1,1 tỷ đồng. Các hộ sau khi được vay vốn đều đầu tư làm ăn hiệu quả, thực hiện trả nợ đúng kỳ hạn. Tôi mong muốn trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay, nhất là những hộ nghèo đột xuất, qua đó giúp cho nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện vượt khó, vươn lên, ổn định đời sống.
Chị Katơr Thị Xoa
Thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại (Bác Ái):
Trước năm 2005, kinh tế gia đình tôi vô cùng khó khăn, thường nhờ hỗ trợ cứu đói của Nhà nước từ 2 đến 3 tháng mỗi năm. Năm 2005, tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bác Ái tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng. Từ số vốn được vay, gia đình đầu tư mua 2 con bò cái về nuôi. Đến năm 2008, sau khi sử dụng vốn vay có hiệu quả, tôi trả nợ cũ và tiếp tục vay thêm 20 triệu đồng để nuôi bò gầy đàn. Khi đàn bò phát triển lên được 11 con, năm 2010 tôi rút bán bớt để trả nợ ngân hàng và xây được ngôi nhà khang trang. Mặc dù đã thoát nghèo, nhưng theo quy định mới, tháng 10 – 2016 vừa qua, gia đình tôi tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện cho vay ở mức cao hơn, với số tiền 50 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi bò sinh sản, phấn đấu thoát nghèo bền vững không để tái nghèo. Tôi mong muốn trong thời gian tới, NHCSXH tiếp tục có thêm những chương trình hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho nhiều đối tượng hơn, đặc biệt là ở huyện miền núi Bác Ái để bà con đồng bào Raglai có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mai Dũng, Uyên Thu, Hồng Lâm, Nguyễn Sơn