Khó khăn trong dạy và học theo mô hình Trường học mới VNEN ở cấp THCS

(NTO) Được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) triển khai từ năm học 2015-2016 đến nay, bên cạnh những mặt thuận lợi thì mô hình Trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education–Viet Nam Escuela Nueva viết tắt là VNEN) ở cấp THCS tại tỉnh ta cũng phát sinh không ít những khó khăn, bất cập.

Trường THCS Trần Phú (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong 9 trường ở cấp THCS trên địa bàn tỉnh thực hiện mô hình VNEN. Theo đánh giá của nhà trường, qua 2 năm triển khai thực hiện tại 2 lớp đã cho thấy không hiệu quả và trường đã quyết định làm tờ trình lên Sở GD&ĐT xin dừng thực hiện mô hình VNEN từ năm học 2017-2018. Được biết khó khăn lớn nhất của nhà trường trong quá trình thực hiện mô hình VNEN là trang thiết bị của 2 phòng học chưa đáp ứng; không có giáo viên biên chế giảng dạy môn Tin học lớp 8. Ngoài ra, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên khi soạn giảng đáp ứng mô hình VNEN còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường chưa được đào tạo đúng chuẩn theo mô hình VNEN.

Lớp học theo mô hình Trường học mới tại Trường THCS Cao Bá Quát (Thuận Bắc).

Trước thực tế đó, ngay đầu năm học 2017-2018, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh HS của 2 lớp 81 và 82 và phụ huynh học sinh (HS) đều đề nghị nên dừng thực hiện mô hình VNEN và chuyển qua học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Qua đánh giá thực tế, HS 2 lớp thực hiện mô hình VNEN từ cấp TH lên cấp THCS chưa đáp ứng được theo mô hình VNEN. Từ đó trong 2 năm học 2015-2016 và 2016-2017 không có HS xuất sắc nào của 2 lớp áp dụng mô hình VNEN so với các lớp học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành. Căn cứ vào các công văn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, nhà trường đã quyết định xin dừng thực hiện mô hình VNEN từ năm học này và các năm học tiếp theo. Nhà trường cũng cam kết sau khi dừng việc thực hiện mô hình VNEN sẽ có kế hoạch tăng cường phụ đạo HS 2 lớp trên đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình sách giáo khoa hiện hành.

Tại Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (Bác Ái), mô hình VNEN cũng được triển khai từ năm học 2015-2016 đến nay tại 3 lớp 6, 7 và 8, với 85 HS. Cô giáo Huỳnh Lê Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường THCS duy nhất trên địa bàn huyện thực hiện mô hình VNEN, nhà trường luôn bám sát quy định, hướng dẫn của ngành, chủ động, linh hoạt xây dựng chương trình dạy học phù hợp với điều kiện nhà trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận với chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là quy trình tổ chức hoạt động học cho HS. Bên cạnh đó, nhiều HS chưa được học theo mô hình VNEN ở cấp tiểu học nên khó bắt kịp với phương pháp học tập mới; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của trường chưa được tiếp cận sâu kỹ với mô hình VNEN nên khó khăn trong quá trình dạy học; ngoài ra thì cơ sở vật chất cũng chưa đảm bảo theo yêu cầu...

Mô hình VNEN được triển khai ở cấp THCS từ năm học 2015-2016 cho 7 trường THCS/7 huyện, thành phố, với 17 lớp/498 HS; riêng năm học 2016-2017 có thêm 2 trường THCS tự nguyện tham gia. Qua quá trình thực hiện đến nay, bên cạnh những mặt thuận lợi như tạo được không khí vui tươi cho quá trình tổ chức các hoạt động học tập, giáo viên đã biết tổ chức hoạt động học cho học sinh theo phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; giờ học cởi mở, mối quan hệ giữa giáo viên và HS gần gũi, thân thiện hơn… Tuy nhiên, do là mô hình mới nên vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện; nhiều phụ huynh lo ngại con em mình học theo mô hình VNEN không hiệu quả vì không được kiểm tra và đánh giá như cũ. Mặt khác, cơ sở vật chất phục vụ dạy học còn thiếu, không có máy vi tính, bàn ghế không đúng quy cách, không có kinh phí mua văn phòng phẩm cho lớp học mới, bộ sách giáo khoa còn khá đắt đối với những vùng còn khó khăn; giáo viên Tin học còn thiếu…

Đồng chí Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để tiếp tục triển khai mô hình VNEN có hiệu quả, Sở đã có công văn yêu cầu các trường của cả 2 cấp TH và THCS thực hiện rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình VNEN. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện cho những năm tiếp theo phải đảm bảo các yêu cầu về giáo viên và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả thực hiện mô hình, đảm bảo mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của HS trên nguyên tắc đảm bảo đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tạo niềm tin trong phụ huynh HS và xã hội. Bên cạnh đó, Sở cũng tăng cường tổ chức tập huấn, kiểm tra, giám sát, tư vấn và hỗ trợ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các trường, đảm bảo mô hình VNEN phát huy hiệu quả.