Theo đó, đến năm 2020 nhu cầu vận tải toàn vùng là 101 triệu tấn hàng hóa và 185 triệu lượt hành khách, với tốc độ tăng bình quân là 8,5-9,5%/năm đối với hàng hóa và 7,5-8,5%/năm đối với hành khách.
Khối lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển trong vùng là 40-50 triệu tấn; tốc độ tăng bình quân là 15%/năm; khối lượng khách hàng thông qua các cảng hàng không trong vùng là 15-16 triệu lượt hành khách, với tốc độ tăng bình quân 12%/năm.
Về kết cấu hạ tầng giao thông, đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có; hoàn thành tuyến cao tốc Huế-Đà Nẵng-Quảng Ngãi-Bình Định. Đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết, tiếp tục phát triển giao thông nông thôn với 70% được cứng hóa mặt đường. Hệ thống cảng hàng không từng bước được nâng cấp, mở rộng; hoàn thành cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng công suất 4 triệu hành khách/năm vào năm 2011...
Trong quy hoạch sẽ phát triển năm hành lang vận tải chính của vùng, gồm hành lang ven biển (là một bộ phận của hành lang ven biển Bắc Nam quốc gia quan trọng nhất cả nước, bám theo tuyến quốc lộ 1A hiện tại, nối liền các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển trong vùng).
Hành lang Đà Nẵng-quốc lộ 1A-(quốc lộ 9-Lao Bảo) và hành lang Đà Nẵng-quốc lộ 14B-14D-Nam Giang: các hành lang này ngoài phục vụ nhu cầu vận tải của vùng còn phục vụ hàng quá cảnh của Lào và Đông Bắc Thái Lan. Hành lang Đà Nẵng-Tây Nguyên; Hành lang Dung Quất-Tây Nguyên; Hành lang Quy Nhơn-Tây Nguyên.
Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chú trọng tới các trục dọc đường bộ chính như: hoàn thành xây dựng đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn qua vùng kinh tế trọng điểm miền Trung dài khoảng 470km, quy mô 4-6 làn xe; Trục quốc lộ 1A đoạn trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung từ Phong Điền đến Đèo Cù Mông dài 460km; hoàn thành xây dựng hai hầm đường bộ qua đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng (Thừa Thiên Huế). Trục đường Hồ Chí Minh; Tuyến đường Đông Trường Sơn; Tuyến đường bộ ven biển....
Đối với đường sắt hoàn thành nâng cấp đường sắt Thống Nhất đạt tiêu chuẩn đường sắt quốc gia; xây dựng mới các tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt quốc gia đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế như cảng Chân Mây, cảng Liên Chiểu, khu kinh tế Chu Lai, cảng Dung Quất, cảng Quy Nhơn (Nhơn Hội)...
Quy hoạch ưu tiên đầu tư cho các công trình giải quyết mục tiêu kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển cho vùng như xây dựng mới các tuyến đường bộ cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và Cam Lộ-Túy Loan, nâng cấp mở rộng các quốc lộ 1A, 49, 49B, 24; mở rộng, nâng cấp và đầu tư chiều sâu các cảng biển Đà Nẵng, Quy Nhơn, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; phát triển cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Dự kiến quỹ đất cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 là 430 km2, chiếm 1,5% so với diện tích toàn vùng (không tính đất dành cho giao thông trong nội thị thành phố, thị xã).
Quy hoạch cũng đề ra một số giải pháp, chính sách nhằm phát triển vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông như khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải đường bộ đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật đường bộ phù hợp với tiêu chuẩn đường bộ của các nước ASEAN để đảm bảo sự kết nối và hội nhập quốc tế; ưu tiên đầu tư phát triển những công trình có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng (các công trình trên trục dọc vùng, các đường kết nối các cảng biển lên Tây Nguyên và các hành lang vận tải quốc tế)...
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2011.
Theo TTXVN/Vietnam+