Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cho biết: Để các đối tượng sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, NHCSXH tỉnh đã phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác gồm: Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tiến hành củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín ở tất cả các thôn, khu phố; đồng thời, bố trí 65/65 điểm giao dịch đặt tại các xã, phường, thị trấn. Nhờ đó, việc thực hiện Chương trình tín dụng đối với HS-SV triển khai được nhanh chóng, thuận lợi. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2017, doanh số cho vay tín dụng HS-SV đạt trên 19 tỷ đồng, nâng tổng số dư nợ đến nay lên hơn 259,5 tỷ đồng/10.366 hộ vay, với 12.362 HS-SV. Trong số này, đối tượng hộ nghèo có 616 hộ vay, với tổng dư nợ 14,5 tỷ đồng; đối tượng có mức thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập hộ nghèo có 9.720 hộ vay, với tổng số tiền 244,5 tỷ đồng; đối tượng khó khăn về tài chính có 27 hộ vay/387 triệu đồng và đối tượng HS-SV mồ côi có 3 hộ vay, với số tiền 70 triệu đồng.
Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, lãi suất cho vay đối với Chương trình tín dụng HS-SV cũng rất ưu đãi chỉ 0,55%/tháng và 1 năm học (10 tháng) mỗi HS-SV được vay tối đa 15 triệu đồng (mỗi tháng 1,5 triệu đồng/HS-SV). Bên cạnh đó, Quyết định này cũng quy định rõ là sau khi ra trường tối đa không quá 12 tháng thì cha, mẹ hoặc người thân trong hộ gia đình khi đứng ra vay vốn phải có trách nhiệm cùng với HS-SV thực hiện việc trả nợ cho Nhà nước. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai cho thấy, việc thu hồi nợ hiện nay đối với chương trình này đang gặp nhiều khó khăn. Tính đến thời điểm cuối tháng 7 vẫn còn tới 307 hộ chưa thực hiện việc trả nợ theo đúng quy định, với số tiền trên 3 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết do công tác tuyên truyền về chủ trương cho vay ở cơ sở chưa được thường xuyên, liên tục, nên một số hộ vay còn hiểu nhầm nghĩa vụ trả nợ là trách nhiệm của bản thân HS-SV. Một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là nhiều hộ gia đình dù có điều kiện để trả nợ, nhưng cứ chây ỳ lấy lý do sinh viên ra trường chưa xin được việc làm ổn định, hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp để lẩn tránh trách nhiệm…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong thời gian tới, ngoài việc thường xuyên gửi thông báo nợ đến hạn, quá hạn tới các hộ vay, NHCSXH tỉnh phối hợp các đơn vị truyền thông trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên tuyền để các đối tượng vay vốn hiểu rõ chính sách ưu đãi của chương trình và trách nhiệm phải trả nợ với Nhà nước. Cùng với đó, NHCSXH tỉnh còn tập trung huy động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của HS-SV (bình quân cứ mỗi năm học, NHCSXH tỉnh giải ngân khoảng 40 tỷ đồng cho HS-SV vay theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg). Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, Ban đại diện–Hội đồng Quản trị các cấp ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Tổ đôn đốc thu hồi nợ, Ban Quản lý các thôn, khu phố, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm những hộ vay quá hạn có khả năng trả nợ nhưng cố tình chây ỳ, nhằm chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại, để Chương trình tín dụng đối với HS-SV được triển khai thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Văn Thanh