Huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

(NTO) Trong những năm qua, tỉnh ta đã huy động tối đa nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, các chính sách an sinh xã hội thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (MTQGGN) bền vững trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ giải quyết vấn đề dân sinh, mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, phát huy sức mạnh nội lực của cộng đồng để thực hiện chương trình MTQGGN đạt nhiều kết quả tích cực.

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo được cụ thể hóa, vận dụng triển khai có hiệu quả. Các vấn đề cơ bản, bức xúc nhất đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số như nhà ở, đất ở, y tế, giáo dục... được quan tâm giải quyết, đáp ứng được yêu cầu của Nhân dân. Phương thức xoá đói giảm nghèo được đổi mới phù hợp với chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo. Người nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng việc làm, thu nhập và cải thiện đời sống. Chất lượng cuộc sống của người dân ở các xã nghèo được nâng cao, nhất là nhóm hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh ta đã trích kinh phí hơn 60 tỷ đồng mua hỗ trợ 190.573 thẻ BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống vùng khó khăn và người sống vùng KT-XH đặc biệt khó khăn; 14.781 hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay 341,8 tỷ đồng vốn chính sách để sản xuất, chăn nuôi tăng thu nhập cho hộ gia đình; 843 hộ được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 48/QĐ-TTg và Quyết định 33/QĐ-TTg; 20.253 hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện trên 5,5 tỷ đồng; 18.734 hộ/75.559 khẩu được hỗ trợ gạo cứu đói kịp thời hơn 1.134 tấn… Song song, cơ sở hạ tầng, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

 
Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng khu tái định cư nên người dân xã Phước Bình (Bác Ái)
có nơi ở ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Ảnh: Nguyễn Sơn

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn một số bất cập. Qua kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2016, toàn tỉnh có 20.253 hộ nghèo, chiếm 12,54%; 16.649 hộ cận nghèo, chiếm 10,31%; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số là 11.139 hộ, chiếm 55% so với hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi, miền biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn. Nguồn lực của địa phương, hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ thấp hoặc chưa có. Theo đồng chí Hoàng Lê Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn, trình độ dân trí của người dân còn thấp, ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống của một bộ phận hộ nghèo chưa cao, vẫn còn tồn tại một số suy nghĩ không muốn thoát nghèo để hưởng cơ chế, chính sách… dẫn đến khó khăn trong thực hiện chương trình MTQGGN bền vững.

Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Một trong những định hướng lớn và mới trong công tác giảm nghèo năm 2017 và giai đoạn 2016-2020 là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo từ các nguồn xã hội hóa; cộng đồng doanh nghiệp. Quan trọng nhất là sớm đề xuất, sửa đổi các chính sách giảm nghèo không còn phù hợp, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư chương trình MTQGGN bền vững. Tăng dần sự chủ động tiếp cận các chính sách về giảm nghèo đối với người nghèo, nhất là về vay vốn sản xuất, phát huy tính tự lực, tự cường trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, tránh cho hộ nghèo có tâm lý ỷ lại.

Theo đó, thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và chính bản thân người nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo, tổ chức dạy nghề gắn với tạo việc làm, giáo dục định hướng xuất khẩu lao động. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận dịch vụ thông tin. Tích cực xã hội hóa trong công tác giảm nghèo, tạo thành phong trào sâu rộng, thu hút và động viên sự tham gia của các tầng lớp dân cư trong việc thực hiện các chương trình giảm nghèo, việc hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo. Gắn chương trình giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển KT-XH của các địa phương nhằm huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.