Nông dân Phước Chiến nỗ lực vươn lên thoát nghèo

(NTO) Xã Phước Chiến (Thuận Bắc) hiện có 585 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất rừng và đồi núi. Mặc dù điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi không mấy thuận lợi, nhưng với tinh thần vượt khó, nhiều nông hộ nơi đây đã vươn lên thoát nghèo rất đáng ghi nhận.

 
Từ mô hình chăn nuôi dê hiệu quả đã giúp gia đình chị Chamaléa Thị Ánh thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ông Mấu Văn Á, ở thôn Ma Trai, là một trong những nông dân điển hình nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá tại địa phương. Trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào 1,2 ha đất rẫy trồng bắp. Do đất khô cằn, thiếu nước nên sản xuất kém hiệu quả. Năm 2009, được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn 10 triệu đồng, cùng với số tiền giúp đỡ từ người thân, ông mua 2 con bò cái về nuôi. Sau một thời gian chăm chỉ theo kiểu “lấy công làm lời”, đến nay đàn bò của ông đã tăng lên 12 con. Từ số vốn tích lũy được thông qua việc chăn nuôi bò, ông còn đầu tư cải tạo lại đất trồng trọt, liên kết với Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang để chuyển sang trồng mía theo hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc tốt, rẫy mía của ông luôn đạt năng suất trên 60 tấn/ha/vụ, qua đó đã giúp gia đình ông không những thoát nghèo, mà còn có cuộc sống ổn định, với thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.

Rời thôn Ma Trai, chúng tôi đến thôn Động Thông thăm gia đình chị Chamaléa Thị Ánh. Trước đây chị Ánh cũng thuộc diện hộ nghèo. Cả gia đình có 7 nhân khẩu, nhưng chỉ có 3 sào đất trồng bắp, do thời tiết thường xuyên nắng hạn nên có vụ phải ngừng sản xuất, cuộc sống rất khó khăn. Với quyết tâm không để cái nghèo đeo bám, năm 2008, gia đình chị làm đơn xin vay 14 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ người nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Có vốn trong tay, chị đầu tư mua 8 con dê cái về nuôi; đồng thời, đào giếng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho 3 sào cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Nhờ sự chăm chỉ và biết cách chăm sóc, đến nay, đàn dê của chị đã tăng lên 25 con, mỗi lần xuất bán đều có lãi cao. Chị Ánh chia sẻ: Được sự quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình của chính quyền địa phương, nên mình có điều kiện tiếp cận cách làm ăn mới, xây dựng mô hình chăn nuôi hiệu quả, giờ đây, không chỉ trả xong số tiền vay của ngân hàng, mà còn thoát nghèo, cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định hơn.

Ông Chamaléa Hiến, Chủ tịch UBND xã Phước Chiến, cho biết: Với đặc thù của xã miền núi, không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi như những địa phương khác, đặc biệt việc tiếp cận và áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất đối với người dân địa phương còn nhiều hạn chế, nên phải nói rằng vấn đề giảm nghèo vẫn còn là trăn trở lớn đối với chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, xã tập trung chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tìm hiểu, nắm rõ nguyên nhân, tình trạng các hộ nghèo. Trên cơ sở đó tiếp tục tranh thủ các nguồn vốn để lồng ghép hỗ trợ và phối hợp các phòng, ban của huyện có giải pháp phù hợp, hướng dẫn bà con thực hiện các mô hình làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 2%.