Nhìn lại năm 2016, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những biến đổi bất thường, dù chủ động triển khai nhiều giải pháp nhưng thiên tai vẫn gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến kinh tế, đời sống dân sinh. Thiên tai làm 1 người chết và thiệt hại hơn 511,13 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do hạn hán hơn 124 tỷ đồng, thiệt hại do mưa lũ là 387,13 tỷ đồng.
Lực lượng dân quân phường Mỹ Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) diễn tập chằng,
chống nhà ở người dân khi xảy ra mưa bão. Ảnh: V.M
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, năm 2017, thời tiết diễn biến phức tạp, các loại hình thiên tai như mưa, lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, giông tố... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta lớn hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt là về mưa, so với mọi năm, năm 2017 mưa sớm hơn, lượng mưa tập trung vào cuối tháng 9, 10, 11 và 10 ngày đầu tháng 12. Về lũ, số lượng cơn lũ trong năm 2017 khoảng từ 2-3 cơn lũ. Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Ninh Thuận từ 2-4 cơn, nên tỉnh cần chủ động để phòng chống hiệu quả.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả, hạn chế thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống, giảm nhẹ thiên tai với những nhiệm vụ và biện pháp thực hiện chi tiết, cụ thể bằng những nhóm công việc trước mắt và lâu dài.
Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và gắn với phát triển kinh tế-xã hội; củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN do cấp, ngành mình quản lý theo hướng tinh gọn, đủ mạnh; xây dựng phương án PCTT&TKCN cụ thể, sát với thực tế và điều kiện từng vùng, từng địa phương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức thực hiện; bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường củng cố mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo nhằm đảm bảo thông tin thông suốt trong mọi tình huống. Thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban theo quy định, chỉ đạo các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành kế hoạch tu bổ, nâng cấp đê điều; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ các công trình thủy lợi theo đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh nắm bắt kịp thời mọi diễn biến thời tiết thông tin kịp thời trên các phương tiện thông tin, cảnh báo cho Nhân dân cảnh giác chủ động đối phó với lũ, bão. Phối hợp với các ngành, các tổ chức tuyên truyền cho Nhân dân đề cao cảnh giác chủ động phòng, chống thiên tai có hiệu quả. Khi có thiên tai xảy ra, UBND các cấp, các ngành tổ chức chỉ huy kịp thời, thông suốt, đồng bộ trong công tác ứng phó với thiên tai (điều động lực lượng, phương tiện, vật tư, cứu nạn, cứu hộ, di dời người và tài sản), giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đối với từng địa bàn, lĩnh vực, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã khoanh vùng và lên phương án cụ thể đối với những khu vực, địa bàn trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ kịp thời khi lũ, bão xảy ra, gồm: 14 điểm khi bão đổ bộ; 24 điểm lũ ống, lũ quét; 5 khu vực cảnh báo sóng thần; 4 khu vực là các công trình, hồ đập, đê điều và các công trình trọng điểm khác của tỉnh. Tại những khu vực điểm này, ngoài lực lượng “4 tại chỗ”, khi có bão, lũ xảy ra, tỉnh sẽ điều động, tăng cường các lực lượng để hỗ trợ, ứng phó hiệu quả. Riêng đối với tuyến biển, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển khi có lũ, bão xảy ra. UBND các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp. Phan Rang-Tháp Chàm chuẩn bị các phương án di dời dân (phương tiện và địa điểm) ở những vùng xung yếu khi có bão tố, nước dâng, sóng thần. Đặc biệt chú trọng các vùng thường xảy ra sạt lở, úng lụt.
Đối với các hồ chứa nước, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng 20 công trình hồ thủy lợi và công trình tiêu thoát nước. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, thực hiện việc vận hành điều tiết nước ở các hồ chứa nước đảm bảo an toàn công trình, cho vùng hạ du và các kênh; phân công và bố trí người trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước để có phương án điều tiết và xả lũ khi cần thiết. Khi xả lũ các hồ chứa nước, công ty phải thông báo trước 6 tiếng cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, xã vùng hạ du để thực hiện sơ tán, di dời dân kịp thời. Xử lý kịp thời các sự cố, hư hỏng công trình.
Ngoài ra, khi có lũ, bão xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ huy động gần 1.000 người, 34 xuồng, ca-nô, 1 trực thăng của các lực lượng vũ trang trong tỉnh tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ các địa phương. Đồng thời cũng đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 1 xuồng máy 1.000 CV; 2 xuồng ST 660 CV; 4 ca-nô 40 CV; 8 xe cần cẩu và xe bồn chở nước (loại 10 m3 nước); 2.000 áo phao, phao tròn, để có thể thực hiện nhanh, hiệu quả công tác PCTT&TKCN khi thiên tai xảy ra.
Xuân Bính