Ông Phạm Văn Luyện, Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc cho biết: Địa phương có gần 70% dân số là đồng bào DTTS, trong đó, dân tộc Raglai chiếm trên 67%, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình XKLĐ cho vùng đồng bào DTTS, từ năm 2011 đến nay, địa phương đã phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, ý nghĩa của việc XKLĐ. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để nắm bắt thông tin về những điều khoản cụ thể ở mỗi thị trường lao động như: Thời gian làm việc, mức thu nhập, môi trường làm việc, điều kiện ăn ở, sinh hoạt… từ đó giúp người dân có cơ sở tìm hiểu và đăng ký phù hợp với thị trường tham gia XKLĐ. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện để người lao động được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội làm kinh phí xuất cảnh và trả dần khi có thu nhập.
Xã Phước Kháng là địa phương có số người đăng ký XKLĐ khá nhiều, với 11 người. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, địa phương đều giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đoàn thể các thôn để vận động người dân tham gia XKLĐ. Không chỉ vậy, những thông tin cần thiết về thị trường lao động cũng được cung cấp đầy đủ, từ đó giúp người dân có sự lựa chọn, đăng ký làm việc tại thị trường phù hợp. Hầu hết số lao động đi làm việc thường xuyên gửi tiền về phụ giúp gia đình, lao động khi hết hợp đồng đều có một khoản vốn, xây dựng nhà cửa và đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Đến thăm gia đình anh Pô Pô Nguôi, ở thôn Cầu Đá (xã Phước Kháng), vừa hết hợp đồng XKLĐ trở về địa phương vào đầu tháng 7, anh Nguôi chia sẻ: Gia đình mình trước đây khó khăn lắm, năm 2012, địa phương có thông báo tuyển lao động đi xuất khẩu nước ngoài, mình đã đăng ký tham gia với công việc chế biến gỗ cho một công ty ở Malaysia. Công việc cũng ổn định, với mức lương khá, nên sau khi trở về, mình đã tích cóp được một số vốn để đầu tư chăn nuôi bò, sửa sang lại nhà cửa và sắm sửa một số vật dụng trong nhà. Anh Pô Pô Nguôi cho biết thêm, hiện ở xã Phước Kháng còn có nhiều hộ khá lên nhờ XKLĐ, trong đó có các anh Pi-Năng Xin, Chamaléa Nhuôn, Chamaléa Rút…
Tính đến nay, huyện Thuận Bắc có 56 người tham gia XKLĐ ở các nước như Malaysia, Ả-rập Xê-út và Nhật Bản, trong đó riêng số lao động của hai xã Phước Kháng và Phước Chiến chiếm gần 70%. Mức lương cơ bản được ký kết trong hợp đồng tuyển dụng đối với các thị trường trên từ 10-12 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông. Đây là số tiền khá cao so với thu nhập của lao động miền núi tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề XKLĐ đối người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện vẫn còn hạn chế, một mặt là do chính quyền cơ sở chưa quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đến công tác XKLĐ. Bên cạnh đó, đa số người dân chưa thay đổi được thói quen, tập quán sinh hoạt; năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn yếu và có tâm lý ngại đi xa…
Để tháo gỡ vấn đề này, theo ông Phạm Văn Luyện, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia XKLĐ, địa phương sẽ thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu các thị trường lao động có thu nhập cao, thủ tục đơn giản, phù hợp với năng lực, tay nghề của lao động trên địa bàn. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống người dân, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS.
Hồng Lâm