Bệnh Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh Sốt xuất huyết trên phạm vi cả nước tăng cao. Tính đến nay, cả nước ghi nhận 45.259 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, có 12 trường hợp tử vong. Khu vực miền Trung phát hiện 10.364 trường hợp Sốt xuất huyết, có 1 trường hợp tử vong.
Tại tỉnh Ninh Thuận, tính đến ngày 15-7-2017 toàn tỉnh phát hiện 271 trường hợp Sốt xuất huyết, chưa có trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra tại 49/65 xã, phường thuộc 6/7 huyện, thành phố, trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 96 trường hợp; huyện Ninh Phước 78 trường hợp; Ninh Hải 40 trường hợp; Ninh Sơn 29 trường hợp; Thuận Nam 23 trường hợp; Thuận Bắc 5 trường hợp. Ngành Y tế đã phối hợp với các xã, phường tiến hành chủ động phun hóa chất, diệt bọ gậy, lăng quăng xử lý nhiều ổ dịch Sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều trường hợp mắc mới Sốt xuất huyết. Số mắc Sốt xuất huyết tại một số xã kéo dài từ đầu năm đến nay chưa được kiểm soát tốt như: An Hải 44 ca, phường Mỹ Đông 19, Đông Hải 12, Mỹ Bình 10, Phước Mỹ 8, xã Tri Hải 17, thị trấn Tân Sơn 10…
Riêng tại xã An Hải: Số mắc Sốt xuất huyết tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2016, trong đó có 3 trường hợp nặng. Ngành Y tế đã triển khai hoạt động xử lý diệt lăng quăng và phun hóa chất phòng chống Sốt xuất huyết 3 đợt. Điều tra 30 hộ gia đình sau khi xử lý cho thấy chỉ số côn trùng gây bệnh vẫn rất cao so với quy định (số nhà có muỗi 33/30 nhà, số dụng cụ chứa nước có lăng quăng 15/30 nhà), tuần qua vẫn tiếp tục ghi nhận 4 trường hợp Sốt xuất huyết tại xã An Hải.
Mặc dù các xã, phường có triển khai vệ sinh môi trường diệt lăng quăng nhưng tình trạng các ổ chứa bọ gậy, lăng quăng tồn tại trong các hộ nhà dân còn khá phổ biến. Các xã, phường có chỉ số côn trùng cao, vượt ngưỡng cho phép là An Hải (chỉ số lăng quăng 50/chỉ số muỗi 1,1), Mỹ Đông (50/0,47), Đô Vinh (43,3/0,2), Tri Hải (33,3/0,33), Phương Hải (30/0,23). Các ổ chứa bọ gậy, lăng quăng tập trung chủ yếu ở các dụng cụ chứa nước, các dụng cụ phế thải quanh nhà và một số ít dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Công tác diệt bọ gậy, lăng quăng chưa triệt để là nguyên nhân làm cho Sốt xuất huyết lây lan và kéo dài.
Chỉ số côn trùng, muỗi truyền bệnh Sốt xuất huyết tăng cao trong những đợt mưa vừa qua, tình trạng vệ sinh môi trường tại các địa bàn, khu dân cư chưa đảm bảo, nhiều ổ nước tù đọng, vật dụng phế thải có đọng nước mưa xung quanh nhà ở rất phổ biến, đó là yếu tố thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, khó kiểm soát. Hiện nay tại tỉnh Ninh Thuận xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Dự báo bệnh Sốt xuất huyết có thể bùng phát thành dịch lớn nếu không tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả trong cộng đồng.
Để chủ động phòng chống Sốt xuất huyết, không để bùng phát thành dịch lớn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:
1. Sở Y tế: Giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương tích cực giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị Sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết tại các trường học. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền. Tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh, chủ động phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí thực hiện. Cập nhật thường xuyên, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với ngành Y tế triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết. Đặc biệt là việc huy động giáo viên, học sinh, sinh viên tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt bọ gậy, lăng quăng tại gia đình và cộng đồng.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết để người dân biết và tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch; nêu gương điển hình các hộ gia đình và xã, phường thực hiện tốt phong trào vệ sinh phòng bệnh trong cộng đồng.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế bảo đảm kinh phí đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết.
5. UBND các huyện, thành phố: Trực tiếp chỉ đạo các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt bọ gậy, lăng quăng trên địa bàn, chú ý khu vực tập trung dân cư, điều kiện vệ sinh kém; hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Huy động ngân sách, nguồn lực của địa phương để hỗ trợ công tác diệt bọ gậy, lăng quăng xử lý ổ dịch nhỏ.
- Riêng UBND huyện Ninh Phước cần triển khai ngay chiến dịch huy động cộng đồng diệt bọ gậy, lăng quăng tại các xã có nhiều trường hợp bệnh, đặc biệt tập trung thực hiện triệt để, thường xuyên tại xã An Hải để khống chế ngay dịch bệnh, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan và kéo dài, hạn chế thấp nhất số mắc và tử vong do Sốt xuất huyết.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội: Theo chức năng, nhiệm vụ, tích cực phối hợp và tham gia cùng ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch Sốt xuất huyết. Vận động cán bộ, công chức, viên chức tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Y tế theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh.