1. Sự kiện nổi bật trong tuần, đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) ngày 27-7 đã lên án ý định của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga, coi đây là âm mưu sử dụng những hành động “đặc biệt trắng trợn” để bảo đảm lợi ích kinh tế của mình và sẽ càng làm trầm trọng tình hình.
Tuyên bố sau cuộc gặp với người đồng cấp Phần Lan, Tổng thống Putin nhấn mạnh sẽ rất đáng tiếc nếu Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào Nga. Người đứng đầu nước Nga cáo buộc Mỹ rõ ràng đang lợi dụng những ưu thế địa chính trị trong cuộc chiến cạnh tranh nhằm bảo đảm những lợi ích kinh tế của mình bằng cách gây phương hại cho các đồng minh. Tổng thống Putin khẳng định thực tế này là không thể chấp nhận được vì đây là hành động vi phạm luật quan hệ quốc tế và luật quốc tế. Theo ông, Nga chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ đồng ý với việc này. Ông Putin cũng lưu ý Nga sẽ phản ứng tương tư như các nước khác trước lệnh trừng phạt của Mỹ, liên quan tới vấn đề chủ quyền và lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng bày tỏ hy vọng rằng tình hình căng thẳng hiện nay sẽ kết thúc để quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ phát triển vì lợi ích của người dân hai nước
Trong khi đó, Hiệp hội doanh nhân châu Âu (AEB) cùng ngày ra tuyên bố chỉ trích các lệnh trừng phạt mới của Mỹ chống Nga, cho rằng hành động này có thể khiến sản xuất sụt giảm và nhiều việc làm bị mất…
2. Thông tin cũng rất đáng chú ý là Nhật Bản tăng cường trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Theo đó, ngày 27-7, Nội các Nhật Bản đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên, theo đó mở rộng “danh sách đen” gồm các thực thể và cá nhân có quan hệ với Triều Tiên nhằm đáp trả vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (Phư-mi-ô Ki-si-đa) cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Nhật Bản sẽ nhằm vào 5 tổ chức, trong đó có 2 công ty Trung Quốc, cùng 9 cá nhân tham gia các hoạt động tài chính, vận tải và xuất khẩu khoáng sản với Triều Tiên. Theo đó, đây sẽ là lần đầu tiên Tokyo đóng băng tài sản của các cá nhân và thực thể không liên quan đến chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo ông Kishida, việc gia tăng sức ép lên Triều Tiên là “quan trọng”, và Tokyo sẽ hối thúc Bình Nhưỡng đưa ra hành động cụ thể hướng tới giải quyết các vấn đề như phát triển hạt nhân và tên lửa, cũng như vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Trước đó, trong cuộc gặp thượng đỉnh ba bên tại Đức hồi đầu tháng, lãnh đạo các nước Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đều nhất trí tăng cường trừng phạt để buộc Bình Nhưỡng “ngừng các hành động khiêu khích và đe dọa”. Giới chức Mỹ khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty Trung Quốc giao dịch với Triều Tiên. Mới đây nhất, ngày 27-7 vừa qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, 2 ngày sau khi Hạ viện có hành động tương tự. Nhật Bản và Mỹ bổ sung các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị tiến hành thêm một vụ phóng tên lửa đạn đạo nữa nhân dịp hai miền Triều Tiên kỷ niệm 64 năm ngày ký kết thỏa thuận đình chiến của cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Ngày 4-7 vừa qua, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân và vươn tới lãnh thổ Mỹ.
3.Nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới. Việc cổ phiếu của Amazon tăng giá trong phiên giao dịch ngày 27-7 trong khi giá cổ phiếu của Microsoft giảm nhẹ đã giúp ông chủ Amazon - Jeff Bezos - vượt qua tỷ phú công nghệ Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay, theo xếp hạng của tạp chí Forbes.
Chỉ trong 6 tháng qua, tổng tài sản của Jeff Bezos đã tăng thêm 20 tỷ USD. Hiện tại, tỷ phú Jeff Bezos được Forbes định giá tài sản 90,6 tỷ USD, trong khi tài sản của tỷ phú Bill Gates - người từng 6 năm “thống trị” danh sách nhà giàu thế giới là 90,1 tỷ USD. Bezos đồng thời là người thứ 6 giành danh hiệu “người giàu nhất thế giới” trong vòng 30 năm qua.
Được thành lập năm 1994, Amazon hiện nay là tập đoàn thương mại điện tử và bán lẻ lớn nhất nước Mỹ với doanh thu năm 2016 đạt 136 tỷ USD và tổng số nhân viên là 341.400 người. Jeffrey Preston Bezos sinh ngày 12-1-1964, từng theo học trường đại học Princeton chuyên ngành Khoa học máy tính. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông đã nhận được nhiều lời chào mời từ hai hãng công nghệ nổi tiếng là Intel và Bell Labs. Tuy nhiên, Bezos từ chối để tham gia một “vườn ươm khởi nghiệp” (startup) mang tên Fitel.
Sau đó, rời Fitel, Jeff Bezos tham gia quỹ đầu tư D.E.Shaw và trở thành Phó Giám đốc chỉ sau 4 năm làm việc. Năm 1994, Bezos nhận ra rằng hệ thống website đang tăng trưởng 2300%/năm. Con số quá ấn tượng này đã thôi thúc ông làm gì đó để tận dụng xu thế này. Jeff xin nghỉ việc, liệt kê khoảng 20 sản phẩm có thể bán online và sau đó chọn sách làm sản phẩm chủ đạo của mình. Và kết quả là Amazon ra đời. Sau hơn 1 tháng thành lập, Amazon đã bán sách tới tất cả 50 bang của Mỹ và 45 quốc gia trên thế giới và “đế chế” Amazon cứ thế mở rộng thêm nhiều lĩnh vực khác. Trụ vững qua cơn sốt bong bóng công nghệ sau năm 2001, Amazon ngày nay bán tất cả mọi thứ, từ quần áo, thực phẩm cho đến dịch vụ điện toán đám mây.
Ngoài ra, năm 2000, Bezos còn thành lập Blue Orgin - công ty công nghệ không gian để thỏa ước mơ chinh phục bầu trời khi thơ bé. Năm 2015, tàu không gian New Shepard của Blue Origin phóng thành công vào vũ trụ sau đó an toàn quay về điểm phóng tại West Texas, giúp Blue Origin trở thành một trong những công ty thương mại đầu tiên phóng thành công một loại tên lửa có thể tái sử dụng.
M.D