Theo nguồn tin này, các biện pháp đang được Nga xem xét bao gồm tịch thu nhà nghỉ ngoại giao của Mỹ tại công viên Serebrianyi Bor, trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ và hạn chế số đại diện ngoại giao Mỹ tại Nga. Các biện pháp này thực chất sẽ khép lại khả năng Mỹ trao trả các trụ sở ngoại giao của Nga hiện đang bị Washington cầm giữ. Ngoài ra, Nga có thể chấm dứt hợp tác trong các định hướng then chốt với Mỹ, như trong giải quyết cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên hay việc cung cấp urani làm giàu cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ.
Trước đó cùng ngày, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện nước này phê chuẩn ngay trong tuần dự luật về các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Dự luật này còn cần được bỏ phiếu và tổng thống ký ban hành để có hiệu lực.
Các thông tin nêu trên trái ngược với tuyên bố ngày 17-7 của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (Xéc-gây Ri-áp-cốp) khi ông biết bất đồng giữa Nga và Mỹ liên quan vấn đề tài sản ngoại giao, trong đó Washington tịch thu 2 khu nhà ngoại giao của Nga tại Mỹ, đã “gần như được giải quyết” sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Thông báo này được nhà ngoại giao Nga đưa ra sau cuộc họp kéo dài 3 giờ với người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon (Thô-mát Xan-nân) diễn ra cùng ngày tại Washington.
Căng thẳng ngoại giao song phương phát sinh kể từ tháng 12-2016 khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) chỉ thị đóng cửa 2 khu ngoại giao đoàn của Moskva tại bang New York (Niu Y-oóc) và Maryland (Me-ri-lan), đồng thời trục suất 35 quan chức ngoại giao của Nga với cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries (Bri-ghít-tơ Xi-pri-ét) ngày 27-7 tuyên bố các biện pháp chống Nga do các nhà lập pháp Mỹ đề xuất có thể gây thiệt hại cho các công ty Đức và tạo thêm khó khăn cho quan hệ giữa Berlin với Washington. Bà Zypries nhấn mạnh Mỹ đã từ bỏ đường lối chung với châu Âu trong các biện pháp trừng phạt Nga và điều này có nguy cơ gây phương hại cho các công ty Đức.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp Đức cảnh báo các biện pháp trừng phạt mới được Hạ viện Mỹ thông qua tuần trước có thể cản trở các công ty Đức tiếp tục hoạt động trong các dự án quan trọng đối với an ninh năng lượng của nước này.
Theo TTXVN