Mặc dù cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành tập đoàn dầu khí Exxol Mobil nói rằng ông Tillerson sẽ ở lại trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ ít nhất cho đến cuối năm nay, nhưng tuần qua một số nguồn tin giấu tên chia sẻ với hãng CNN rằng ông Tillerson có thể rời khỏi vị trí này sớm hơn thế.
Cũng theo CNN, ông Tillerson nhận thấy trong thời gian gần đây ông thường không nhận được sự trọng dụng của Tổng thống Donald Trump khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của nhà lãnh đạo này và dường như ông Trump tỏ ra “không mấy hài lòng” về công việc được thực hiện bởi nhóm các nhà ngoại giao kỳ cựu tại Bộ Ngoại giao Mỹ thuộc quyền quản lý của ông Tillerson.
Các nguồn tin “gần gũi với nhiều cuộc trao đổi giữa ông Tillerson và bạn bè của ông bên ngoài Washington” cho rằng vị ngoại trưởng này có thể chỉ là giãi bày tâm sự để trút bỏ những điều bất bình, song họ cảm nhận được “sự nghi ngờ của ông Tillerson về Tổng thống Trump đang gia tăng”.
Trước đó, Ngoại trưởng Tillerson đã bày tỏ quan điểm nhất trí với những người chỉ trích Tổng thống Trump “không chuyên nghiệp” khi nhà lãnh đạo này hồi tuần trước chỉ trích Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions (Giép Xét-xơn). Ông cũng thể hiện nhiều quan điểm trái chiều với Tổng thống Donald Trump trong một số vấn đề như xử lý cuộc khủng hoảng tại vùng Vịnh hay việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nếu Ngoại trưởng Tillerson từ chức thực sự, ông sẽ trở thành người dẫn dắt ngành ngoại giao Mỹ trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Hồi tuần trước, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer (Xin Xpai-xơ) cũng đã từ chức do bất bình với việc Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Anthony Scaramucci (An-thô-ni Xca-ra-múc-chi) làm Giám đốc phụ trách bộ phận truyền thông của Nhà Trắng.
Theo TTXVN