Lịch sử không bao giờ quên những cống hiến, hy sinh của những người có công với nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lịch sử không bao giờ quên những cống hiến, sự hy sinh của những người có công với cách mạng.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến từng phòng ở, thăm hỏi, động viên và tặng quà
cho người có công với cách mạng đang điều dưỡng tại Trung tâm. Ảnh: TTXVN

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, chiều 25/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thăm, tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội (thôn Viên Ngoại, xã Viên An, huyện Ứng Hòa). Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ liệt sĩ, vợ liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Trung tâm lời thăm hỏi thân thiết, lời cảm ơn chân thành và lời chúc tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư nêu rõ: Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là nhiệm vụ cao quý, là tình cảm và ân nghĩa, được Đảng, Nhà nước luôn luôn coi trọng, là trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội, bởi sự cống hiến, hy sinh của người có công là vô giá, không gì có thể bù đắp được.

Mặc dù còn khó khăn, nhưng với tình cảm, trách nhiệm, cán bộ, công nhân viên, người lao động Trung tâm đã chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo đối với người có công, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tổng Bí thư nhiệt liệt biểu dương, hoan nghênh và cảm ơn anh chị em cán bộ, công nhân viên Trung tâm về những thành tích, kết quả đạt được trong công tác thời gian qua.

Đối với các bác, các cụ là người có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm, hoàn toàn có quyền tự hào về truyền thống, sự đóng góp lớn lao của gia đình, bản thân vào thành tựu cách mạng chung của cả dân tộc. Tổng Bí thư chân thành chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà các cụ, các bác phải trải qua; đồng thời nhấn mạnh lời căn dặn của Bác Hồ phải thường xuyên quan tâm, thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng.

Đến nay, cả nước đã xác nhận 9 triệu người có công, trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 13 vạn Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Tổng Bí thư hoan nghênh Bộ LĐTB&XH, các cấp, các ngành của Hà Nội đã có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, thiết thực chăm sóc người có công, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, đến từng ngõ xóm, làng xã, từng gia đình. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, lịch sử không bao giờ quên những cống hiến, sự hy sinh của những người có công với cách mạng.

Tổng Bí thư ghi nhận, biểu dương những nỗ lực cố gắng và kết quả đạt được của Trung tâm và Hà Nội trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng, tuy nhiên, kết quả đó là chưa đủ, sắp tới cần quyết tâm làm tốt hơn nữa, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hơn nữa. Trung tâm cần phát huy thành tích, kinh nghiệm đã có, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ thiêng liêng cao quý, chăm sóc nuôi dưỡng người có công với cách mạng như ruột thịt của mình. Đây là tình cảm, bổn phận của người đi sau, nhằm bù đắp phần nào những tổn thất, mất mát của người đi trước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến từng phòng ở, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người có công với cách mạng đang điều dưỡng tại Trung tâm.

Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiền thân là Khu Điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình, được thành lập ngày 4/11/1978, đã điều dưỡng cho 650 thương bệnh binh.

Năm 1994, Trung tâm được giao nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công với cách mạng. Từ đó đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận, nuôi dưỡng thường xuyên hơn 100 người; điều dưỡng luân phiên gần 38.000 lượt người. Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 55 người có công gồm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ, vợ, con liệt sĩ, thương binh…

Với đặc điểm người có công đều là người cao tuổi, sức khỏe yếu, bệnh tật đa dạng, khả năng tự phục vụ rất hạn chế, cần có người giúp đỡ, phục vụ thường xuyên… để đáp ứng yêu cầu chăm sóc, phục vụ người có công, Trung tâm đã bố trí cán bộ, nhân viên thường trực 24/24 giờ; thực hiện tốt chế độ, tiêu chuẩn nuôi dưỡng và điều dưỡng cả về ăn, ở, chăm sóc sức khỏe; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nói chuyện thời sự, tham quan thắng cảnh… phục vụ người có công.

Nguồn www.chinhphu.vn