Hỏi - đáp về luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2017

Hỏi: Cơ quan nào quyết định biện pháp cấm tiếp xúc?

Đáp: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày.

Tòa án đang thụ lý hoặc giải quyết vụ án dân sự giữa nạn nhân bạo lực gia đình và người có hành vi bạo lực gia đình cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 4 tháng.

Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc có thể bị áp dụng biện pháp tạm giữ người và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hỏi: Khi nạn nhân bị bạo lực gia đình họ tìm đến nơi nào để trốn, lánh nạn?

Đáp: Khi bị bạo lực gia đình thì nạn nhân nên tìm đến Địa chỉ tin cậy để tạm lánh. Địa chỉ tin cậy được thành lập tại thôn, khu phố do cá nhân, tổ chức có uy tín, khả năng, tự nguyện nhận làm địa chỉ tin cậy để giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình, địa chỉ này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách và công bố.

Hỏi: Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình thì bị xử lý thế nào?

Đáp: Người thường xuyên có hành vi bạo lực gia đình đã được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày áp dụng biện pháp này vẫn có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn (thời gian từ 03 tháng đến 01 năm).

Người có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị áp dụng đưa vào cơ sở giáo dục (thời gian là 01 năm); đối với người dưới 18 tuổi thì có thể bị áp dụng đưa vào cơ sở giáo dưỡng (thời gian từ 06 tháng đến 01 năm).