NHÌN LẠI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017:

Ninh Sơn: Giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm

(NTO) Trong 6 tháng đầu năm 2017, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện Ninh Sơn còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành... đã tiếp tục có bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có một số ngành tăng trưởng mang tính đột phá. Theo lãnh đạo huyện cho biết, giá trị sản xuất nội huyện đạt trên 1.285,5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tăng trưởng chung đó, ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 585,6 tỷ đồng, tăng 6,4%; công nghiệp - xây dựng ước đạt 431,1 tỷ đồng, tăng 18% và thương mại - dịch vụ ước đạt 268,8 tỷ đồng, tăng 11%.

 
Nông dân xã Lâm Sơn phát triển vườn cây ăn quả, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: MD

Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện đó là nhiều địa phương ngày càng nhân rộng mô hình sản xuất “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, đồng thời triển khai thực hiện xây dựng các vùng sản xuất tập trung một số cây trồng chính theo Đề án tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp huyện Ninh Sơn đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện thí điểm cánh đồng lớn mía, mì trên địa bàn huyện. Riêng chăn nuôi đã có bước đột phá với quy mô tổng đàn bò 21.200 con, tăng 150,1%; dê 6.765 con, tăng 160,1%; cừu 20.286 con, tăng 154,3%; heo 25.616 con, tăng 167,6%; gà 110.731 con, tăng 156%; vịt các loại 41.056 con, tăng 120,8%;… góp phần nâng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 152 tỷ đồng, tăng 38,9% so với cùng thời gian này năm trước. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến trong thực hiện, một số xã đã nâng chuẩn các tiêu chí. Hiện nay, cao nhất là các xã: Nhơn Sơn đạt 17/19 tiêu chí; Hòa Sơn, Lâm Sơn đạt 14/19 tiêu chí; thấp nhất là xã miền núi Ma Nới đạt 7/19 tiêu chí. Các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ phát triển khá, tình hình tài chính tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, thu ngân sách địa phương đạt kế hoạch đề ra...

Kinh tế phát triển đã tác động tích cực đến văn hóa - xã hội. Theo thống kê, trong 6 tháng qua, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 1.037 lao động, đạt 51,8% kế hoạch. Quy mô giáo dục được duy trì, chất lượng có được nâng lên; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời, công tác chăm lo cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, người dân vùng bị hạn hán được quan tâm thực hiện tốt hơn; công tác phòng chống dịch bệnh được bảo đảm, vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường; tai nạn giao thông được kiềm chế, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 
Cây mì là một trong các cây trồng chủ lực của huyện Ninh Sơn, hiệu quả kinh tế từ cây mì
đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ảnh: Nông dân xã Hòa Sơn đang phơi mì sau khi thu hoạch.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận vẫn còn một số hạn chế, nổi lên đó là trong sản xuất nông nghiệp, việc liên kết cung ứng giống, phân bón của doanh nghiệp cho nông dân gắn với tiêu thụ sản phẩm chưa được thông suốt. Quản lý bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển mua bán lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; tình trạng phá rừng làm rẫy còn diễn biến phức tạp ở một số vùng giáp ranh. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn một số vấn đề bức xúc như: khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp; hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn một số doanh nghiệp, tổ chức chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường trong khai thác. Về xã hội, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn triển khai còn chậm; chất lượng giáo dục giữa các trường học trong huyện tuy có chuyển biến nhưng chưa đồng đều...

Có thể nói, trong 6 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện đã đạt già nửa kế hoạch cả năm, tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện Ninh Sơn cho biết không thể chủ quan, bởi trên thực tế từ nay đến cuối năm còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nhất là trước những diễn biến khó lường về biến đổi khí hậu. Theo đó, Ninh Sơn xác định một số chỉ tiêu chủ yếu cần thực hiện với quyết tâm cao nhất của các ngành, địa phương trong huyện như: Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt 6% để hoàn thành chỉ tiêu HĐND huyện giao. Nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu cây trồng. Về công nghiệp - xây dựng, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng đạt 18%, trên cơ sở phát huy tối đa năng lực sản xuất các cơ sở chế biến hiện có như sản xuất vật liệu xây dựng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, điện... Tập trung tháo gỡ những khó khăn về thủ tục đầu tư, tạo thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công nghiệp đang triển khai xây dựng. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng toàn ngành tăng 11%; khuyến khích phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phục vụ đời sống nhân dân. Về lĩnh vực xã hội, toàn huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động nhiều nguồn để đầu tư cơ sở vật chất và đa dạng hóa các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; nâng cao chất lượng hoạt động y tế dự phòng, chủ động phòng chống dịch bệnh nguy hiểm mùa hè và mùa mưa lũ; thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất từ 2-3%...

 
Nông dân  huyện Ninh Sơn  phát triển đàn cừu chăn nuôi quy mô trang trại .

Để đảm bảo thực hiện tốt các chỉ tiêu theo Nghị quyết HĐND huyện, Ninh Sơn đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả nhằm phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống hạn, công tác phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai đạt hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và của Nhân dân. Thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao và môi trường. Thực hiện tốt, kịp thời và đầy đủ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội; làm tốt công tác giảm nghèo gắn với thực hiện kế hoạch chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo kế hoạch đã được phê duyệt. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội bức xúc, nhất là công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; triển khai các cuộc thanh tra trên các lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, quản lý tài chính ngân sách, các hoạt động khai thác khoáng sản,... Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo gắn với thực hiện kế hoạch chiến lược toàn diện về tăng trưởng và giảm nghèo bền vững.