Năm 1982, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Thắng nhập ngũ làm nhiệm vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, đến năm 1986 xuất ngũ trở về địa phương sinh sống. Thời điểm này, ông tham gia vào Đội khai thác thủy sản (TS) của Hợp tác xã (HTX) nghề cá ở Đông Hải. Đầu năm 1989, do làm ăn thua lỗ kéo dài nên HTX giải thể. Với nguồn vốn vay được trên 70 triệu đồng từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, cùng phần vốn vay của anh em trong gia đình, ông đã mua lại tàu cá có công suất 30 CV của HTX với giá 120 triệu đồng để hoạt động đánh bắt TS. Chỉ trong hơn một năm khai thác có hiệu quả, sinh lãi và tiết kiệm, ông đã trả được các khoản vay trên.
Ông Trần Công Thắng cùng với mô hình tàu “Nghị định 67” đầu tiên làm bằng xốp, được cất giữ nơi trang trọng nhất trong nhà.
Đến nay, sau gần 20 năm khai thác đánh bắt TS hiệu quả, tích luỹ vốn liếng từ các chuyến tàu ra khơi và tranh thủ chủ trương của Nhà nước hỗ trợ ngư dân vươn khơi đánh bắt xa bờ, ông bán tàu cũ, đóng mới hai chiếc tàu cá lớn, với công suất 420 CV và 460 CV; mua sắm trang thiết bị hiện đại phù hợp với tình hình khai thác TS hiện nay. Cùng với đó, Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, năm 2016, ông đã đăng ký đóng mới tàu “67” vỏ gỗ bọc composite, có công suất 829 CV, với tổng giá trị 9 tỷ đồng. Có tàu lớn, ông đã phối hợp với tàu cá của hai con trai, có công suất 420 CV và 3 tàu cá của ngư dân địa phương thành lập Tổ đoàn kết khai thác TS hiệu quả dài ngày trên biển, với những ngư trường như nhà giàn DK1, đảo Trường Sa, An Bang.... từ đó cho lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư.
Trước hiệu quả kinh tế của đội tàu đem lại, năm 2017, ông tiếp tục làm hồ sơ xin đóng mới tàu “Nghị định 67” composite với tổng giá trị 15 tỷ đồng, hiện nay dự án đang triển khai thực hiện. Ông Thắng tâm sự: Mong muốn của tôi trong thời gian đến sẽ đóng thêm những con tàu mới có công suất lớn để khai thác đánh bắt xa bờ, vừa cho hiệu quả kinh tế gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, CCB Trần Công Thắng còn được xem là một điển hình của địa phương. Ông luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực đi đầu trong các hoạt động của địa phương. Hằng năm, gia đình ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 22 lao động ở địa phương, trong đó có 4 CCB. Để giúp lao động yên tâm bám biển dài ngày, ông đã hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm y tế cho tất cả thuyền viên. Tích cực đóng góp các quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”... do địa phương phát động. Ngoài ra, ông luôn nêu cao tinh thần đạo đức nghề biển, trực tiếp ứng cứu, vớt nhiều tài sản tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh khi đang khai thác gặp nguy hiểm trên biển, được ngư dân địa phương đánh giá cao.
Ông Trình Văn Trọng, Chủ tịch Hội CCB phường Đông Hải, cho biết: Không chỉ sản xuất giỏi, ông Thắng còn là người CCB luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống của hội viên CCB nghèo và thường xuyên tham gia tích cực các phong trào do địa phương phát động. Với những thành tích trên, ông Thắng đã được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phòng trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2011-2016.
Phan Hiếu