Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh kết tinh và chứa đựng cả những giá trị của truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là những chỉ dẫn hết sức quý báu cho việc xây dựng nền tảng tinh thần của dân tộc.
Vai trò của đạo đức trong sự tồn tại và phát triển của xã hội
Mỗi xã hội hình thành và phát triển đều dựa trên một nền tảng nhất định cả về vật chất và tinh thần, kinh tế và chính trị, văn hóa và xã hội. Sự phát triển của xã hội Việt Nam cũng vậy, nó đòi hỏi phải có nền tảng vật chất và tinh thần cho sự phát triển lâu dài, bền vững, trong đó không thể thiếu lĩnh vực đạo đức. Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, được hình thành thông qua vai trò chủ động, tự giác của con người. Do đó, việc hình thành một nền đạo đức-nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam trong hiện tại và tương lai, phải có định hướng, phù hợp với thực tiễn phát triển của dân tộc.
Sự phát triển của đất nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, con người. Khi chúng ta khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, thì tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho việc xây dựng nền đạo đức Việt Nam hiện nay và mai sau.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chứa đựng những hạt nhân hợp lý, chắt lọc từ tinh hoa giá trị đạo đức nhân loại, phù hợp với những điều kiện kinh tế-xã hội cụ thể của Việt Nam, hướng tới những giá trị mang tầm thời đại. Vì vậy, rèn luyện và tu dưỡng đạo đức cách mạng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, cũng như lâu dài trong tương lai của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng…” (1).
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở để đội ngũ cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
Hiện nay, trong xã hội đang tồn tại tình trạng một bộ phận dân cư xem nhẹ các giá trị đạo đức, chạy theo tiền tài, địa vị, bất chấp đạo lý, coi thường pháp luật và tình nghĩa con người. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là trong một thời gian dài, đứng trước những khó khăn về kinh tế-xã hội, chúng ta đã tập trung nhiều cho phát triển kinh tế, trong khi đó nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội. Một xã hội Việt Nam phát triển trong tương lai chắc chắn không thể để tình trạng đó tiếp tục diễn ra. Với ý nghĩa là nền tảng tư tưởng cho việc xây dựng nền đạo đức mới, thực hành theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh thực sự là giải pháp quan trọng nhất, giúp xác lập lại vị trí, vai trò của đạo đức-yếu tố gốc rễ, nền tảng tinh thần của mỗi con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức là gốc của mỗi người, trước hết là các cán bộ, đảng viên, khẳng định đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển của con người, cũng giống như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (2).
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là nền tảng của người cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang là phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người chỉ rõ: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” (3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, là nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc, phẩm chất, uy tín của mỗi con người. Người cho rằng, mọi việc thành công hay thất bại, chủ yếu là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không và “Tuy năng lực và công việc của mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng” (4).
Đạo đức cách mạng giúp người cách mạng đứng vững trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn hay thuận lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước…, khi gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó là đạo đức cách mạng, là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên là những người tiên phong trong các phong trào, các hoạt động của đời sống xã hội, có vai trò và ảnh hưởng đến việc định hướng dư luận xã hội. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trăn trở với nguy cơ cán bộ, đảng viên, nhất là những người nắm giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị xa rời cuộc sống, xa rời quần chúng, rơi vào căn bệnh chủ nghĩa cá nhân-kẻ địch nguy hiểm của đạo đức, “căn bệnh gốc” gây nên tình trạng thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”, phải tiêu biểu cho lương tâm, phẩm giá và trí tuệ của dân tộc. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiêm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (5).
Theo Tạp chí Cộng sản
(1): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.47.
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292.
(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t.11, tr.601.
(4): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t.9, tr.508.
(5): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sdđ, t.15, tr.611-612.