Những năm gần đây, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đến việc tạo dựng môi trường bình đẳng trong hoạt động của các DN nhằm tạo nên hình ảnh thân thiện, thuận lợi cho các DN, qua đó thu hút nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh kêu gọi, mời chào... Để nâng cao chỉ số cạnh tranh bình đẳng này, chỉ tính trong năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO), tổ chức lấy ý kiến hài lòng các DN, tăng cường tính công khai minh bạch trong xét chọn các nhà đầu tư; tăng cường kiểm tra giám sát trong lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu; kịp thời tham mưu giải quyết các vấn đề khó khăn cho DN, không phân biệt đối xử giữa các loại hình DN trong xét chọn đầu tư… nhờ đó, cảm nhận của DN về cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực thu hút đầu tư đã có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh Ninh Thuận đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, tạo bình đẳng cho các loại hình DN trong tiếp cận đất đai, tín dụng, giải quyết các chính sách thuế như tăng cường đối thoại về đất đai, thuế, tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng với DN...
Công ty Cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt chế biến nha đam tại Khu Công nghiệp Thành Hải,
Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên
Theo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 của tỉnh cho thấy, chỉ số cạnh tranh bình đẳng đạt 5,15 điểm, tăng 0,23 điểm phần trăm và tăng thứ hạng lên 3 bậc so năm 2015, xếp thứ hạng 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù mức độ cải thiện chưa đạt như mong muốn nhưng với kết quả trên đã ghi nhận sự nỗ lực của các ngành liên quan trong việc tạo “sân chơi” bình đẳng giữa các DN. Tuy nhiên, qua khảo sát bên cạnh một số mặt tích cực như: Tỷ lệ DN cho rằng tỉnh ưu tiên giải quyết các vấn đề, khó khăn cho DN nước ngoài hơn là DN trong nước, giảm 15,87% (còn 67,39%); tỷ lệ DN cho rằng hợp đồng, đất đai,… và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các DN có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh” đã giảm 8,25 điểm phần trăm (còn 67,39%); các chỉ tiêu khác như tỷ lệ DN cho rằng tỉnh ưu ái cho Tổng Công ty, Tập đoàn của Nhà nước; doanh nghiệp FDI trong thực hiện thủ tục hành chính, miễn giảm thuế, ký kết hợp đồng... đều có giảm điểm so với năm 2015 từ 1,46 đến 6,57 điểm phần trăm... Thế nhưng vẫn có đến 37,36% DN qua khảo sát còn cho rằng việc tiếp cận đất đai chưa được thuận lợi, còn tình trạng “đặc quyền” dành cho các Tập đoàn kinh tế của Nhà nước (tăng 16,85 điểm phần trăm); Tỷ lệ DN cho rằng thuận lợi trong tiếp cận các khoản tín dụng là đặc quyền dành cho các Tập đoàn kinh tế của Nhà nước và doanh nghiệp FDI với mức tăng tương ứng là 16,85% và 12,97%... Cũng qua khảo sát, một số DN phản ánh còn gặp khó khăn do cạnh tranh không công bằng, khó cạnh tranh với DN lớn...
Từ thực tế đã nêu, theo đề xuất của DN đó là tỉnh cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng tốt hơn giữa các DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong tiếp cận đất đai, tín dụng, ưu đãi thuế...Để thực hiện mong muốn của DN, vấn đề quan trọng vẫn là cần thực hiện công khai, minh bạch hóa thông tin cho các DN; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN tiếp cận thông tin để hiểu rõ hơn các chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển của tỉnh; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, các quy hoạch ngành, lĩnh vực; công khai, minh bạch các chính sách ưu đãi đầu tư; tạo sự bình đẳng giữa các DN trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh...
Thiết nghĩ, với quyết tâm cao của tỉnh cộng với sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cộng đồng DN... việc tăng điểm số, cải thiện thứ hạng chỉ số cạnh tranh bình đẳng của tỉnh năm nay là điều có thể.
TD