VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm!

(NTO) Theo đánh giá chung, nền kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay đã có dấu hiệu phục hồi, đạt mức tăng trưởng hợp lý...mặc dù một số ngành kinh tế của tỉnh vẫn chưa vượt qua hết khó khăn. Theo đó, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước tăng 7,7%, cao hơn 2,7% so mức tăng cùng kỳ năm trước, trong đó giá trị gia tăng các ngành: Công nghiệp-Xây dựng tăng 6,6% (cao hơn 5,7% so cùng kỳ); dịch vụ tăng 5,6%; riêng ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 12,8%, cao hơn gấp nhiều lần nếu so cùng thời gian này của năm 2016 giảm đến mức 3,4%. Ngoài ra, giá trị kim ngạch xuất khẩu; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đều đạt kế hoạch và tăng khá so cùng kỳ năm 2016...

Công ty TNHH Thông Thuận chi nhánh Ninh Thuận sản xuất- kinh doanh hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động,
góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, đây là kết quả đáng ghi nhận từ quyết liệt trong chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ đột phá để tập trung chỉ đạo đến các ngành, địa phương; đồng thời cụ thể hóa kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cùng với tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực của các cấp, các ngành và địa phương, sự nỗ lực, sáng tạo của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều nét mới, bám sát và triển khai đầy đủ, kịp thời các kế hoạch, chương trình trọng điểm, nhiệm vụ đột phá ngay từ đầu năm; tăng cường thể chế, thu hút nguồn lực, đổi mới thu hút gắn với kiến tạo môi trường đầu tư, quan tâm nhiều hơn đối với các doanh nghiệp thông qua tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt, đối thoại, giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư...tạo nên sự đồng thuận cao... Tuy nhiên, thực tế cho thấy qua thực hiện nhiệm vụ đã nổi lên một số khó khăn hạn chế như: Tốc độ phát triển một số ngành thuộc lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp tăng trưởng chậm lại; chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa bền vững, đơn cử như giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp quý I tăng 6,4% nhưng 6 tháng chỉ tăng 5,9% hay ngành Dịch vụ quý I tăng 9,5%, tính chung 6 tháng chỉ tăng 6%!. Bên cạnh đó, một số sản phẩm chủ lực tiêu thụ khó khăn cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách; chỉ số PCI chậm được cải thiện; công tác quản lý đất rừng, đất công ích một số nơi chưa tốt, còn xảy ra khiếu kiện; quản lý quỹ đất các tuyến đường đầu tư mới để tạo nguồn lực đầu tư chưa hiệu quả...

Kế hoạch cả năm 2017 tỉnh ta đã xác định: GRDP tăng 10-11%, giá trị gia tăng các ngành: Công nghiệp - xây dựng tăng 13-14%; dịch vụ tăng 12-13%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5-6%. Như vậy, nếu so kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm với kế hoạch cả năm tuy có chuyển biến nhưng giá trị gia tăng hầu hết các ngành chỉ mới đạt dưới 50%, ngoại trừ lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ số tăng đã vượt hơn gấp đôi kế hoạch cả năm nhưng vẫn thiếu tính bền vững... Do vậy, yêu cầu đặt ra từ nay đến cuối năm toàn tỉnh cần dồn sức đẩy mạnh tăng trưởng mới có thể thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo đó, cần thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là hỗ trợ các thủ tục về đất đai, hỗ trợ thông tin về thị trường và tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản xuất. Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, duy trì tổ chức định kỳ và thường xuyên các hội nghị chuyên đề, hội nghị gặp mặt đối thoại trực tiếp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại và kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng triển khai, chậm triển khai để tránh lãng phí nguồn lực đất đai và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác có năng lực vào đầu tư; tăng cường quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ đất các tuyến đường đầu tư mới hoàn thành; tăng cường quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, nhất là đất rừng, đất công, đất công ích để khai thác nguồn lực cho đầu tư phát triển 6 tháng cuối năm và những năm tiếp theo...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm và nỗ lực cao nhất của các ngành, địa phương, hy vọng rằng tỉnh ta sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra trong năm.