Nhìn lại chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh qua 6 tháng đầu năm

(NTO) Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 6-2017 tăng ở mức 0,11% so với tháng trước, góp phần nâng chỉ số CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay lên mức tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là tốc độ tăng tương đối thấp so với các năm gần đây, bình quân CPI chỉ tăng 0,21%/tháng.

Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, qua 6 tháng đầu năm, trong “rổ” 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì đã có 7 nhóm chỉ số giá tăng so với tháng 12 năm trước, gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 1,86%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,21%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,97%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,67%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 40,03%; giao thông tăng 1,40%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,84%. Có 3 nhóm chỉ số giảm, đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 2,12%; bưu chính viễn thông giảm 1,16%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,08%, riêng chỉ số nhóm Giáo dục ổn định, không tăng không giảm.

Người dân mua sắm hàng hóa tiêu dùng tại các cơ sở thương mại. Ảnh: Sơn Ngọc

Có một số nguyên nhân làm CPI tăng như do nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao 40,03%; đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính do thực hiện theo công văn số 1367/BYT-KH-TC ngày 21-3-2017 của Bộ Y tế về việc thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm cả chi phí tiền lương của một số tỉnh vào tháng 3-2017; theo đó giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo bước 2 của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của Bộ Y Tế và Bộ Tài chính làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 57,76% góp phần làm CPI của tỉnh tăng 1,98%. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1,86% so cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ tăng đối với một số mặt hàng nước ép và mặt hàng bia lon trong dịp Tết Đinh Dậu 2017. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 2,80% do nhu cầu xây dựng, sửa chữa năm nay tăng cao làm cho chỉ số giá một số mặt hàng trong nhóm tăng như: nhóm vật liệu xây dựng tăng 1,47%; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 26,36%; dịch vụ về điện sinh hoạt tăng 17,83%; dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 4,06%; đồng thời chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 1,06%; nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá dầu hỏa bình quân trong 6 tháng đầu năm năm tăng 6,34%, cũng góp phần làm cho chỉ số nhóm này tăng so với tháng 12 năm trước. Nhóm giao thông tăng 1,4% do giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh, theo đó giá nhiên liệu trong nước được điều chỉnh cho phù hợp. Trong nước giá xăng, dầu tính đến tháng 6 được điều chỉnh 6 lần tăng và 7 lần giảm, tổng cộng xăng A92 tăng 1.170đ/lít, và giảm 2.280đ/lít; dầu diezen tăng 1.630đ/lít, và giảm 2.240đ/lít, làm cho chỉ số giá xăng dầu tăng 3,43% so với tháng 12 năm trước góp phần tăng CPI chung của tỉnh tăng 0,14%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,21% chủ yếu giá một số mặt hàng dịch vụ may mặc, quần áo, giày dép tăng do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng làm cho chỉ số nhóm này tăng. Nhu cầu du lịch tăng vào dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn như 30-4 và 1-5,… làm chỉ số giá nhóm du lịch trọn gói tăng 0,68%. Trong năm nhu cầu về các dịch vụ hiếu, hỉ tăng làm cho chỉ số giá nhóm hiếu hỉ tăng 1,56%... Bên cạnh các yếu tố tác động làm tăng CPI như đã đề cập ở phần trên, thì cũng có các yếu tố làm giảm CPI. Cụ thể là công tác quản lý giá trong năm 2017 được thực hiện khá chặt chẽ đã giảm thiểu được sự tăng đột biến của CPI vào các tháng cao điểm. Giá rau củ quả, giá thịt heo giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm cũng làm cho chỉ số nhóm thực phẩm giảm.

Chỉ số giá vàng giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 4,30% so với tháng 12 năm trước; so bình quân 6 tháng năm 2016 tăng 5,71%. Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,98% so tháng 12 năm trước, so bình quân 6 tháng năm 2016 tăng 2,04% .