Ghi dấu tuổi thanh xuân

Chúng tôi trở lại thôn Núi Ngỗng (Nhơn Sơn – Ninh Sơn) khi Nàng Xuân đã thấp thoáng nơi đầu ngõ và không mấy khó khăn khi tìm lại gia đình trong bức ảnh mà đồng nghiệp tôi đã chụp được trong những ngày mưa lũ đầu tháng 11-2010. Bà nội cháu bé đưa chúng tôi xem tấm hình mà gia đình nâng niu như một kỷ vật...

Khi chúng tôi nói rằng gia đình có em bé sơ sinh được cứu trong cơn lũ dữ đã đưa lên mạng internet và in lại tấm ảnh anh ẵm bé lên ca-nô, người chiến sĩ công an cơ động im lặng một lúc. Anh bảo, khi lằn ranh sinh - tử buộc ta phải hành động thì ta hành động. Vậy thôi! Hỏi cảm giác của anh khi băng mình trong dòng nước lũ để cứu người, anh đáp thật nhanh: “Xem bé như con của mình vậy!”. Đồng đội anh cười rộn lên bảo: “Nè, cậu chưa có vợ mà!”. Anh gãi đầu, khuôn mặt dạn dày nắng gió chợt ửng đỏ, bẽn lẽn: “Ừ, thì giống như... cháu". Anh là Thiếu úy Phan Văn Hiền, công tác ở Đội Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh).

Gặp các anh trong buổi sáng đầy nắng vào một ngày đầu tháng 12-2010, chúng tôi được nghe những kỷ niệm trong đợt cứu hộ đồng bào vùng lũ. Chiến sĩ CSCĐ Võ Văn Hùng kể, ngày 1-11, khi nước đang dâng cao thì tin từ công an xã Phước Hậu – Ninh Phước cho biết có người đang bị kẹt giữa biển lũ tại thôn Hoài Nhơn. Các chiến sĩ CSCĐ tức tốc lên đường. Khi đến nơi, các anh nhìn thấy một người đàn ông trạc gần 60 tuổi, ngồi chênh vênh trên cây me già, áo quần ướt sũng, đang co ro vì đói và rét. Rất khó khăn, Hùng và 2 đồng đội mới bơi đến được hiện trường vì ca-nô vướng giàn nho từ bên ngoài. Sau khi được đưa xuống ca-nô an toàn, người đàn ông này rụt rè bảo: “Cứu luôn con chó của tui nghen mấy chú!”

-“Lúc đó, mọi sự mệt mỏi vì dầm mình trong nước lạnh tự dưng biến mất. Nhưng thấy ông cụ tội nghiệp nên mình tiếp tục bơi vào nhà cứu chú cún đang rên ư ử vì lạnh” – anh Hùng cười hiền kể.

 
 Lực lượng CSCĐ và Bộ đội đặc công tham gia cứu hộ đê
trong đợt lũ cuối tháng 10. Ảnh: Lê Trường

 Những ngày vượt lũ cứu dân, nhiều đồng đội của Hùng bị xây xát vì dây thép gai, cọc gỗ và... rết cắn. Kể nốt câu chuyện, Hùng nhẹ giọng: “Quê mình ở Hà Tĩnh, lúc ấy vẫn còn ngập sâu. Mình ở đây, không ai đỡ đần cha mẹ, buồn lắm, lo lắng lắm. Nhưng đã là chiến sĩ công an nhân dân mình phải làm tốt nhiệm vụ”. Anh bảo, những đồng đội ở quê sẽ làm thay anh…

…Lần đầu gặp chúng tôi, Tiểu đội trưởng Tiểu đội DKZ82 Lê Văn Lâm (thuộc Trung đội Hỏa lực, Trung đoàn 896) ngượng ngịu cười – nụ cười của chàng trai 20 tuổi chưa có người yêu, bất ngờ có hai cô gái đến thăm. Không nhìn thẳng vào chúng tôi, anh kể chuyện cùng đồng đội cứu một gia đình 4 người ở thị trấn Phước Dân – Ninh Phước. Người cha ấy bế đứa con nhỏ níu lấy giàn táo. Một sợi dây thép bị đứt, họ ngã xuống nước. Lâm và đồng đội đã lao xuống vớt hai cha con, đưa lên ca-nô. Trong nhà lúc đó vẫn còn một người mẹ trẻ và đứa con mới hơn một tuổi. Khi đưa được họ ra, Lâm và một người lính trẻ tình nguyện ở lại nhà, để chiếc ca-nô đưa mọi người về nơi an toàn. “Nhìn hai đồng đội của mình ngồi trên mái nhà giữa cơn mưa như trút, xung quanh là biển nước mênh mông mỗi lúc một dâng cao, mình thấy thương và lo lắm!...”- Trung đội trưởng Hoàng Phương Minh chia sẻ. Anh lại nối tiếp câu chuyện bằng “kỷ niệm cứu hộ” ở khu vực cổng làng nghề Chung Mỹ: “Chỗ đó nước chảy rất xiết, tôi vừa cử anh em đi lấy thang dây thì một căn nhà bị đổ sập vách, trong ấy có 7 người. Ba anh em chúng tôi liền chủ động phối hợp một số dân địa phương dùng cây sào lần bước hướng về căn nhà và đưa mọi người ra, trong đó có cả cụ già và người bệnh. Khi chúng tôi vừa đưa được người cuối cùng ra ngoài thì cũng là lúc căn nhà bị con nước cuốn phăng. Thật may…”

Cùng có mặt trong những ngày kinh hoàng của cơn lũ dữ, các chiến sĩ thuộc Đoàn Đặc công 5 đã luôn túc trực tại các địa bàn xung yếu, kịp thời phối hợp với các đơn vị khác làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi gặp các anh sau buổi kiểm tra thể lực cuối năm. Mồ hôi nhễ nhại trên từng khuôn mặt trẻ măng. Trung úy Trương Đình Duy (Đội trưởng Đội 4, Liên đội 7) nhớ lại cảnh anh và đồng đội bơi vào ngôi nhà bị cô lập trong biển nước mênh mông cách cầu Đạo Long 1 (phường Đạo Long – Tp.Phan Rang - Tháp Chàm) khoảng 2km. Năm chiến sĩ ngụp lặn trong dòng nước xoáy cố hết sức để đưa gia đình 6 người ra ca-nô bằng phao tròn. Giây phút hồi hộp trôi qua, những người gặp nạn đến được nơi an toàn trong niềm vui khôn xiết của bà con. Các anh lại tất tả lên đường làm nhiệm vụ. Nghe chúng tôi hỏi có thấy lo lắng khi dùng phao tròn để cứu hộ không, Trung úy Duy cười: “Có chứ! Nhưng không phải sợ cho bản thân mình, bơi lội là thế mạnh của đặc công nước chúng tôi mà, chỉ lo cho bà con thôi...”.

Một số người thoảng qua cuộc đời ta. Một số khác ở lại, ghi dấu trong tim ta và làm cho cuộc đời ta không còn như trước nữa.

Trong chiếc áo rằn ri, các chiến sĩ C14 của Đoàn đặc công 5 đang dọn dẹp, phát quang xung quanh một trường mầm non ở thôn Tri Thủy (Tri Hải – Ninh Hải), hình ảnh đó khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Nét tinh nghịch, tươi trẻ của tuổi thanh xuân vẫn trọn vẹn trên gương mặt các anh. Hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ “vì nhân dân quên mình” trong bài học tuổi thơ xuất hiện trước mặt chúng tôi thật sinh động và gần gũi quá đỗi. Ở cái tuổi đầy tình yêu và nhựa sống ấy, chúng tôi hiểu dù là cứu hộ trong lũ hay khắc phục hậu quả sau lũ, các anh cũng đều làm bằng tất cả trách nhiệm và sức trẻ của người lính. Hình ảnh những chiến sĩ mặc áo phao đón quả táo, trái bắp, gói xôi,... từ tay bà con nông dân giữa những buổi dầm mưa cứu hộ khiến chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc nghĩa tình quân dân.

Cơn lũ đã qua, dấu vết của nó cũng được xóa dần bằng những vườn rau mới mọc, những cây cầu, những con đường mới. Không ít người dân vùng lũ, những ngày ấy có thể là ký ức kinh hoàng, là nỗi đau hay mất mát. Nhưng với các anh, những chiến sĩ đặc công, bộ đội Trung đoàn 896 và cả lực lượng CSCĐ làm công tác cứu hộ, cứu nạn thì đó là những dấu ấn không thể nào quên, được viết nên bằng ngụm nước lũ các anh uống phải khi ngụp lặn, bằng tiếng khóc trẻ thơ át cả tiếng ca-nô, bằng cái siết tay thay lời cảm ơn của những người được cứu sống khi cái chết cận kề trong gang tấc.

Nắng lại tươi rói trên miền quê thương yêu, và ngoài kia xuân đang về...