Quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện thời gian qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) - TP Hà Nội nhận định, hiện nay tại các bệnh viện vẫn còn tồn tại tình trạng người bệnh không được tiếp cận dịch vụ chữa ngay, phần thì do quá tải, phần thì do thái độ phục vụ. Người bệnh thường phản ánh là y tá hay điều dưỡng viên có nhiều lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng, không muốn nói là xúc phạm người bệnh. Trong khi đó, văn hóa ứng xử của bác sĩ các nước trong khu vực lại khác, họ không những tôn trọng, tươi cười, phục vụ tận tâm, khi khám chữa bệnh xong còn cảm ơn người bệnh, cúi gập người chào vì người bệnh đã đến với họ. Từ nhận định trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ có biện pháp thường xuyên nào để nâng cao đạo đức lương y và cải thiện phong cách phục vụ người bệnh trong ngành y tế.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến chất vấn tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Có cùng mối quan tâm với đại biểu Nguyễn Chiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy – tỉnh Bến Tre cho rằng, qua quá trình thực hiện kế hoạch đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, ngành y tế đã gặt hái được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn, Bộ Y tế đã có những giải pháp nào cho việc nâng cao hơn nữa thái độ và phong cách phục vụ của cán bộ y tế tương đồng với việc tăng viện phí mà bộ đã triển khai.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến trung ương là nguyện vọng chính đáng. Hiện nay, theo Luật bảo hiểm y tế đã có thông tuyến giữa xã và huyện, người dân có thể không cần khám ở nơi đăng ký ban đầu mà có thể đến tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong lộ trình đến năm 2021 cố gắng thông toàn quốc. Chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất, cho nên người dân cũng có thể đi qua các tuyến ban đầu.
Hiện nay, Bộ cũng đang xây dựng chương trình và thực hiện thí điểm ở Hà Nội và một số tỉnh, đó là việc bệnh nhân có thể đến nhận các thuốc mãn tính mà không cần lên tuyến cao. Còn giai đoạn đầu khi chuẩn đoán phát hiện bệnh thì cần các kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho việc khám chữa bệnh của người dân.
Về vấn đề thái độ, đạo đức của cán bộ y tế như các đại biểu đã phản ánh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, có nhiều hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh" và ở đâu đó vẫn còn hiện tượng cán bộ y tế có thái độ không tốt. Tuy nhiên thời gian qua, ngành y tế đã đưa ra một chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Bằng nhiều giải pháp tổng thể từ tuyên truyền, vận động gắn với "Học tập làm theo đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh" trong toàn ngành gắn với công đoàn. Bộ cũng có những giải pháp dùng đường dây nóng, bằng các thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn và có một thông tư xử phạt nghiêm minh.
Bộ trưởng cho biết, với những cách làm đó, trong thời gian vừa qua đã có hơn 7 ngàn cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành. Đồng thời Bộ cũng kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên lộ trình tính đúng, tính đủ, cho nên thu nhập của những đơn vị sự nghiệp mà đã được tính giá như vừa rồi đưa lương vào giá và các chi phí trực tiếp thì thu nhập tăng lên. Như vâỵ, những giải pháp vừa rồi đã tạo nên một đổi mới toàn diện. Theo đánh giá độc lập của các tổ chức quốc tế, của UNDP thì thấy rằng, chỉ số PAPI(chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam) đã cải thiện rất rõ về thái độ, đặc biệt là ở tuyến tỉnh và tuyến xã. Còn trường hợp cụ thể của đại biểu phản ánh thì Bộ cũng tiếp thu hơn nữa để quyết liệt khắc phục.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân chất vấn tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Liên quan đến chất lượng khám chữa bệnh trong thời gian vừa qua của ngành y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - TP Đà Nẵng nhận định, việc xã hội hóa trong các bệnh viện công lập bằng các hình thức liên doanh liên kết, đặt máy, góp vốn đã diễn ra khá sôi động trong thời gian qua, đặc biệt ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Hoạt động này đã góp phần giải quyết những khó khăn của ngành y tế, giúp cho nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển y tế chuyên sâu. Tuy nhiên, cách thực hiện này cũng đã xảy ra không ít những bất cập, hệ lụy. Từ thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để xử lý rốt ráo tình trạng này.
Cũng đặt ra vấn đề về phương thức quản trị của các bệnh viện, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân – tỉnh Thái Bình cho rằng, việc giao cơ chế tự chủ cho các bệnh viện công lập theo Nghị định 43 của Chính phủ đặt ra vấn đề là các bệnh viện phải bảo đảm cân đối thu chi tài chính. Vì thế trong khám, chữa bệnh có tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật cao trong xét nghiệm, chẩn đoán hoặc bệnh nhân chưa đến mức phải nhập viện đã cho nhập viện hoặc kéo dài thời gian điều trị v.v... Vậy, đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng và ngành cho biết có giải pháp gì để khắc phục tình trạng như trên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Phạm Văn Tuân, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tự chủ là hình thưc quản trị mới và được nhiều nước trên thế giới vận dụng. Cách làm này có điểm tốt và cũng có những điểm không tốt và đó là bài học của nước cho chúng ta mà các tổ chức quốc tế đã có khuyến cáo. Tuy nhiên, thực hiện phương châm của Đảng là những đơn vị sự nghiệp phải tiến tới tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, Bộ Y tế chia làm 3 loại tự chủ chính: Loại tự chủ hoàn toàn cả thường xuyên lẫn đầu tư; tự chủ hoàn toàn và thường xuyên; tự chủ một phần thường xuyên và loại cuối cùng là vẫn phải ngân sách cấp.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại hội trường Ảnh: Đình Nam
Bộ trưởng cho biết thêm, đối với hoạt động tự chủ này sẽ làm tăng tính năng động của lãnh đạo và điều hành tốt hơn, tự chủ nguồn thu và có thể có quỹ sự nghiệp phát triển thì bớt được ngân sách và tăng chất lượng khám, chữa bệnh, tăng tính trách nhiệm của cán bộ y tế. Cho nên, vấn đề thái độ với đạo đức cũng sẽ có khắc phục trong một tương lai theo quy luật phát triển. Đối với mô hình này, Bộ đang điều chỉnh Nghị định 85/2012/NĐ-CP, với đơn vị tự chủ hoàn toàn thì sẽ thành lập hội đồng quản lý bệnh viện, trong đó, có thành viên hội đồng và có giám đốc điều hành và hội đồng quản lý này sẽ bầu và bổ nhiệm giám đốc và báo cáo cơ quan chủ quản. Còn Chủ tịch Hội đồng và thành viên hội đồng thì qua cơ quan quản lý.
Bên cạnh những mặt được mà mô hình tự chủ đem lại, vẫn còn tồn tại những mặt hạn chế như vấn đề lạm dụng mà các đại biểu đã phát biểu, về phương thức quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Bộ Y tế sẽ ban hành những chính sách quản lý về giá, về quy trình khám, chữa bệnh, về phương thức chi trả và phương thức đầu tư. Hiện nay, có đầu tư công và kết hợp công tư. Vấn đề này cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu đề ra theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP, rất nhiều hình thức đầu tư và các hình thức liên doanh liên kết, do đó Bộ sẽ phải bám sát các văn bản quy phạm pháp luật để chỉ đạo và giám sát việc thực hiện các hình thức này.
Nguồn quochoi.vn