Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc - tỉnh Hưng Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế sáng ngày 14/6
Ảnh: Đình Nam
Liên quan đến hoạt động của y tế cơ sở, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Hưng Yên cho rằng bên cạnh thế mạnh là công tác dự phòng của trạm y tế cấp xã, huyện thì y tế cơ sở còn có nhiều vấn đề như cơ sở vật chất lạc hậu không tạo được sự tin tưởng cho người dân, trình độ đội ngũ y, bác sĩ thấp, vắng bóng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm ý kiến của Bộ cũng như giải pháp gì nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở này. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy- tỉnh Bến Tre đặt vấn đề vai trò của trạm y tế xã sẽ được phát huy như thế nào trong hệ thống y tế dự phòng
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến nội dung y tế cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản đầu mối và giảm biên chế thì ngành y tế đã ban hành Thông tư 51, 37, 33 và Nghị định 117 quy định cho trạm y tế xã. Nếu cả nước thực hiện thông tư này thì giảm khoảng gần 700 đầu mối ở tuyến huyện và tăng hiệu quả quản lý.
Cụ thể, tuyến huyện là đơn vị chỉ đạo chuyên môn sẽ gồm 2 chức năng là bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng sẽ nằm trong một trung tâm và chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã. Điều này có lợi thế như giảm đầu mối, giảm biên chế ở những phòng hành chính, kế toán để đầu tư vào chuyên môn, cơ sở vật chất có thể tận dụng, bớt chi phí về văn phòng, đi lại. Trung tâm y tế cả 2 chức năng thì sẽ chỉ đạo trực tiếp trạm y tế xã về chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và điều trị trực tiếp.
Đồng thời, do nguồn nhân lực của trạm y tế xã rất khó khăn và chưa đầy đủ thì mô hình các nước là bác sĩ của bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện vẫn phải luân phiên hàng tuần xuống trạm y tế xã. Như vậy, lúc nào trạm y tế xã cũng có bác sĩ tuyến trên xuống và ngược lại nhân viên, bác sĩ của trạm y tế xã phải lên bệnh viện huyện để nâng cao thực hành và nắm được kỹ thuật cao. Mặt khác, ngành y tế là ngành đặc biệt và có chuyên môn thì chỉ đạo từ trên sở y tế xuống trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã sẽ thông suốt.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết thêm Chính phủ đã phê duyệt Nghị quyết 2348 về đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Đây là đề án mà Bộ rất tâm huyết và chuẩn bị rất công phu để thực hiện việc đầu tư và phát triển hệ thống này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Về nhân lực trạm y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng- tỉnh Vĩnh Long cho biết, theo Báo cáo số 650 ngày 9/6/2017 của Bộ Y tế gửi đại biểu Quốc hội có đánh giá đội ngũ nhân lực y tế cơ sở thiếu về số lượng và hạn chế chất lượng chuyên môn khi số lượng bác sỹ làm việc trong khu vực này chỉ chiếm 41%, số dược sỹ chỉ chiếm 18% so với cả nước ở một khu vực chiếm tới 72,6% dân số cả nước. Điều này dẫn đến hệ quả là trạm y tế xã chỉ thực hiện được một nửa 52,2% các dịch vụ theo phân tuyến kỹ thuật là một nguyên nhân dẫn đến vượt tuyến. Đại biểu đặt câu hỏi trách nhiệm của ngành y tế đến đâu, giải pháp khắc phục tình trạng này.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận đúng là trong gian đoạn hiện nay nhân lực về trạm y tế yếu về số lượng và chất lượng. Vì thế Bộ Y tế tâm huyết để xây dựng một đề án vừa bảo đảm hội nhập với quốc tế vừa giải quyết những bất cập hiện nay như phân bổ không phù hợp. Khắc phục tình trạng một huyện rất nhiều trạm y tế gần nhau nên mỗi ngày chỉ có 3 - 5 người khám; ngược lại ở những vùng sâu, vùng xa thì một trạm y tế người dân phải đi nửa ngày mới đến và không có đầy đủ trang thiết bị cơ bản để chăm sóc sức khỏe ban đầu, hoạt động không phù hợp, phải cân đối giữa dự phòng chăm sóc sức khỏe và điều trị.
Đề xuất nhóm giải pháp phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở
Nhấn mạnh trong quá khứ Việt Nam đã từng tự hào về điểm sáng của y tế cơ sở tuy nhiên, thời gian qua y tế cơ sở còn nhiều hạn chế không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh ở cơ sở và đó cũng là nguyên nhân làm quá tải các bệnh viện tuyến trên. Đại biểu Quốc hội Cao Thị Giang – tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi, với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có những giải pháp đột phá gì để làm rõ hơn vấn đề đổi mới phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở hiện nay góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khám, chữa bệnh và chống quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Đại biểu Cao Thị Giang - tỉnh Quảng Bình đặt vấn đề về giải pháp đột phá
nhằm đổi mới phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Sơn- tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ băn khoăn về nguồn lực để chăm lo cơ sở vật chất, hạ tầng, đội ngũ cán bộ, nhất là nguồn đầu tư công đã công khai lại không thấy hệ thống này trong trái phiếu Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết y tế cơ sở là hoạt động mà ngành y tế đang tập trung trong nhiệm kỳ này và trách nhiệm của Bộ Y tế và chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư mọi mặt khắc phục những vấn đề đang còn yếu kém, chưa phát triển.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, vẫn phải thừa nhận rằng trong thời gian qua y tế cơ sở có những thành tựu được quốc tế công nhận. Thứ nhất, mạng lưới rộng khắp đến tận thôn, bản và có cả y tế thôn, bản, Việt Nam còn có cả cô đỡ thôn, bản. Qua đó đạt được điểm sáng về mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh cũng như các chỉ tiêu về tuổi thọ, dinh dưỡng. Thứ hai, đã làm tốt công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, mặc dù nguồn lực rất hạn chế.
Về các hạn chế, Bộ Y tế nhận thấy y tế cơ sở có hạn chế cơ bản là bố trí rất bất cập. Ngoài ra còn có bất cập về tài chính, nhân lực y tế. Hơn nữa cơ chế tài chính, thanh toán lại là bao cấp, tức là nhà nước cấp ngân sách theo biên chế, theo đầu dân mà chưa bám vào hoạt động. Về đầu tư, hiện nay chúng ta có tất cả các nguồn từ trái phiếu cho đến ODA đều cho bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh và các cơ sở nhưng trạm y tế xã thì chưa có một nguồn nào hết.
Từ những thực tiễn đó, Bộ Y tế đã đề ra nhóm giải pháp về bộ máy, nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng và về hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ chăm sóc ban đầu gồm có hai hoạt động. Một là dự phòng. Hai là chăm sóc sức khỏe ban đầu như là tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, khám thai, dân số, kế hoạch hóa gia đình v.v....Do đó, về khám chữa bệnh Bộ phải tập trung vào dự phòng. Bộ sẽ cho ban hành trong tháng này là gói dịch vụ y tế cơ bản là những hoạt động cơ bản nhất về dự phòng điều trị và đề nghị chi trả bảo hiểm y tế, tuy nhiên dự phòng và chăm sóc ban đầu thì trong luật chưa có quy định.
Vấn đề về nhân lực Bộ đã có đề án phát triển nhân lực. Nguồn vốn ODA là tăng cường đào tạo cho bác sĩ theo mô hình y học gia đình là bác sĩ phải về làm việc ở đây theo hình thức là đào tạo đa khoa, định hướng y học gia đình. Bộ có định mức cán bộ y tế không phải theo xã nào cũng có mà theo hoạt động.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, Bộ đã có phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới xây dựng một đội phản ứng nhanh, đồng thời tiến hành vẽ bản đồ hơn 10.000 trạm y tế xã trong toàn quốc giao cho giám đốc sở y tế, giám đốc trung tâm tuyến huyện thực hiện vẽ bản đồ và chọn những trạm nào đầu tư.
Về đầu tư hạ tầng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện Bộ đang tranh thủ các nguồn ODA viện trợ không hoàn lại của EU cho Tây Nguyên và một số cho miền núi phía Bắc. Bộ đang xây dựng để trình Chính phủ, mong Chính phủ công nhận ODA của ADB tài trợ và của World Bank tập trung cho y tế cơ sở đổi mới cung ứng dịch vụ này.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị sắp tới Luật phòng chống tác hại rượu bia cần thiết thành lập một quỹ phòng chống tác hại rượu bia nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng tương tự như quỹ phòng chống tác hại thuốc lá hình thành từ thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu và thuốc lá. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thêm, đây là mô hình các nước Philippin, Úc, Thái Lan đã làm rất tốt. Tại Philippin, một năm thu và bổ sung cho ngân sách từ 300 triệu đô đến 600 triệu đô. Như vậy, ngân sách sẽ không phải chi cho dự phòng chăm sóc sức khỏe ban đầu mà lấy quỹ phòng, chống tác hại của rượu, bia và thuốc lá để phục vụ cho công tác đó. Người dân sẽ được lợi cho mà ngân sách cũng không phải mất. Để bảo đảm sử dụng công khai minh bạch quỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất quỹ này sẽ trình để Thủ tướng Chính phủ quản lý.
Nguồn quochoi.vn